(Xây dựng) – Hồ Hoàn Kiếm được ví như “trái tim của Thủ đô”, là một di lịch sử - sản văn hóa đã đi vào huyền thoại. Có lẽ, không một ai trên đất nước này không khao khát một lần đến thăm Thủ đô và được đến chiêm ngưỡng cảnh đẹp của hồ Hoàn Kiếm.
Hồ Hoàn Kiếm, một báu vật di sản văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến |
Hồ Hoàn Kiếm nhiều đời nay là chủ đề sáng tác của nhiều nhà hội họa, hàng triệu bức ảnh của các nhiếp ảnh gia, của những người đi du lịch, thậm chí của người dân Hà Nội. Mọi nghệ sỹ đều chọn cho mình một góc nhìn ở hồ Hoàn Kiếm và coi đó là khoảnh khắc với những kỷ niệm riêng. So với nhiều hồ nước nổi tiếng trên thế giới thì hồ Hoàn Kiếm không phải là hồ lớn, cũng không có nhiều công trình đồ sộ, mà cái đẹp của hồ Hoàn Kiếm nó đã gắn với những truyền thuyết dân gian với vẻ đẹp tự nhiên dung dị.
Hồ Hoàn Kiếm có tổng diện tích 12ha, có chiều dài khoảng 700m theo hướng Nam Bắc và rộng 200m hướng Đông Tây. Thời gian gần đây, khu vực kè hồ và đường dạo có dấu hiệu sụt lún, UBND thành phố Hà Nội đã giao cho UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu, xây dựng cải tạo quanh bờ hồ, để chống tình trạng lún sụt như hiện nay.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trong một lần kiểm tra cấu kiện thí nghiệm. |
Đối với công tác cải tạo, kè hồ, UBND quận Hoàn Kiếm có Văn bản số 374/BC-UBND gửi UBND thành phố Báo cáo Phương án thiết kế hệ thống kè xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Theo văn bản Báo cáo của UBND quận Hoàn kiếm đã thông tin như sau: UBND quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với UBND quận Ba Đình và Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) đã hoàn thành triển khai thí điểm 1 đoạn kè hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình). Vì đây là đoạn hồ có tính tương đồng về hiện trạng mặt nước, mặt đất với khu vực hồ Hoàn Kiếm. Khu vực thí điểm được thi công từ 31/10 đến 1/12/2019.
Về quy mô thực hiện thí điểm: Chiều dài 5m (tương đương với 5 cấu kiện). Sử dụng kè kết cấu bê tông cốt sợi đúc sẵn - xi măng bền sunfat M600 với kích thước trung bình của 1 cấu kiện là D1m x R1,7m x C2,5m; trọng lượng trung bình 1 cấu kiện khoảng 2,5 tấn; giằng định kỳ bằng bê tông cốt thép M300. Tất cả chi phí thực hiện do Busadco chi trả.
Được biết, sau phương pháp thí điểm này, biện pháp cải tạo tiếp theo đối với hồ Hoàn Kiếm là đặt những khối bê tông đúc sẵn nặng khoảng 2,5 tấn xuống xung quanh hồ. Mỗi khối bê tông dài tương đương 1m, đặt thẳng xuống hồ mà không cần sử dụng tường vây, bê tông tươi cũng như không cần dịch chuyển hay đào bới bất kỳ thứ gì xung quanh.
Một đoạn kè tại hồ Trúc Bạch sau khi thực hiện biện pháp thi công của Công ty cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco). |
Dự án thí điểm kè hồ Trúc Bạch được Busadco bỏ kinh phí ra để thực hiện và hiện tại đã được thực hiện 5m tại hồ Trúc Bạch (xem ảnh).
Hãy chưa nói đến việc cải tạo, người dân Hà Nội cho rằng, nếu như việc thí nghiệm của Công ty Busadco mà được áp dụng cho hồ Hoàn Kiếm thì công ty này có được tiếp tục thực hiện không? Nếu công trình này phải đấu thầu rộng rãi mà đơn vị khác trúng thầu thì kinh phí thử nghiệm tại hồ Trúc Bạch thì cá nhân hay cơ quan nào sẽ bỏ tiền ra, bởi không phải chỉ có thuần túy 5m chiều dài thí điểm mà kinh phí còn kể cả đến việc nghiên cứu công nghệ, rồi nhà máy sản xuất đại trà… Đây là hậu quả pháp lý khó lường, đối với việc “tùy tiện” của tổ chức, cá nhân nào đó của thành phố Hà Nội đã có ý tưởng này.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu lắp đặt tại hồ Hoàn Kiếm với một loạt khối bê tông như đang thí nghiệm thì chúng ta đã biến hồ Hoàn Kiếm thành hồ chứa nước thủy lợi, nó sẽ xâm hại nghiêm trọng cảnh quan tự nhiên của khu vực này.
Thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng, nếu như từ trên cao nhìn xuống, thì những dải bê tông quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ giống như một “vòng khăn tang”, một hình tượng thật khủng khiếp.
Thực chất, hồ Hoàn Kiếm do UBND thành phố Hà Nội quản lý, việc sửa chữa là trách nhiệm của UBND thành phố Hà Nội. Nhưng không vì thế mà UBND thành phố lại giao cho UBND cấp quận tiến thành thực hiện công tác cải tạo, sửa chữa công trình này; mà phải hiểu đây là công trình của toàn nhân dân Thủ đô Hà Nội và là của cả đất nước. Chính vì thế, việc cải tạo sửa chữa hồ Hoàn Kiếm không thể thực hiện theo ý chủ quan của UBND thành phố hoặc quận, huyện.
Luật Xây dựng cũng đã quy định, trong trường hợp những công trình quan trọng như thế nào, muốn sửa chữa, cải tạo thì phải được thi tuyển kiến trúc một cách rộng rãi để tuyển chọn một vài phương án kiến trúc tốt nhất, đồng thời những phương án đó phải được xin ý kiến của nhân dân Thủ đô và cả nước, trước khi bắt tay vào sửa chữa, cải tạo.
Không nên bê tông hóa kè hồ Hoàn Kiếm. |
Theo KTS.Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì việc kè lại bờ hồ là việc làm thường xuyên, cần thiết để bảo đảm an toàn cho du khách và người dân, nhưng cần sử dụng công nghệ phù hợp và được các nhà khoa học đóng góp ý kiến cẩn thận vì đây là bộ mặt của Thủ đô. Cần đặc biệt chú ý, kè hồ Gươm phải an toàn, khoa học, tiết kiệm và theo đúng quy trình, quy chuẩn Nhà nước. Việc sử dụng vật liệu gì, công nghệ ra sao cần có ý kiến đánh giá của các nhà khoa học chứ không nên làm một cách ngẫu hứng. Làm bờ kè này phải bảo đảm sao cho không bị cứng, cây cỏ mọc nhanh trả lại màu rêu phong phù hợp cảnh quan. Giải pháp kỹ thuật nào cũng không được làm thay đổi vẻ đẹp tự nhiên của cảnh quan.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Quy hoạch hồ Hoàn Kiếm đã nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo, chính quyền thành phố… Thành phố cũng đã nhiên cứu nhằm bảo tồn, phục dựng kiến trúc cảnh quan khu vực hồ Hoàn Kiếm. Đã có nhiều dự án thí điểm tại hồ nhưng đến nay chưa thực hiện được. Chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm về việc cải tạo hồ ở thành phố. Do đó, cần cam kết không phá vỡ những giá trị truyền thống, văn hóa của khu vực hồ Hoàn Kiếm – những giá trị ấy một khi bị hư hại sẽ khó lòng khắc phục. Với một vị trí tương đối nhạy cảm và là điểm nhấn của thành phố, do đó chúng ta không nên sử dụng quá nhiều bê tông, sẽ làm mất đi vẻ đẹp thơ mộng, cổ kính của hồ. Có thể thay đổi thiết kế như là trồng xen kẽ cỏ, cây vào giữa các khớp nối, hoặc kè đá, không nên kè “cứng” bằng bê tông. Có thể học hỏi thêm kinh nghiệm của các nước có khu vực đặc thù như khu vực hồ Hoàn Kiếm, sử dụng các biện pháp công nghệ mới, tiên tiến và đảm bảo hài hòa với môi trường xung quanh.
Chúng tôi cho rằng, đây là những đóng góp chân thành, vì cảnh quan lịch sử của Thủ đô mà UBND thành phố Hà Nội cần tạm ngừng việc xây dựng thí điểm, đồng thời tiến hành thông báo việc thi tuyển kiến trúc rộng rãi đối với các kiến trúc sư trong nước và các kiến trúc sư Việt Nam ở nước ngoài, tham gia thi tuyển để lựa chọn phương án tốt nhất. Đồng thời cần xin ý kiến nhân dân đối với đoạn kè đang thí nghiệm tại hồ Trúc Bạch, nếu nhân dân không đồng tình thì phải hoàn trả lại hiện trạng ban đầu và tiến hành tổ chức một phương án thiết kế mới đối với hồ Trúc Bạch.
Ánh Dương – Thanh Thanh
Theo