(Xây dựng) – Báo cáo mới nhất của Trung tâm Năng lượng, Sinh thái và Phát triển (CEED) cho biết, các kế hoạch lớn về khí đốt sẽ làm suy yếu quá trình chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á vốn giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo.
Khu vực Đông Nam Á có 2 nhà xuất khẩu LNG lớn nhất toàn cầu là Malaysia và Indonesia. |
Báo cáo “Đối mặt với tương lai hóa thạch” đã nghiên cứu các dự án và công ty về khí đốt, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và năng lượng tái tạo, tìm hiểu các tổ chức liên quan đến việc tài trợ và phát triển của họ từ năm 2016 đến năm 2023.
Theo đó, kể từ năm 2016, có 29GW công suất nhà máy điện khí mới được vận hành trên khắp Đông Nam Á. 139GW khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng đang được triển khai - công suất lớn thứ 2 trong các tiểu vùng châu Á, sau Đông Á. Sự gia tăng điện khí đi kèm với sự bùng nổ về công suất nhập khẩu LNG mới được đề xuất, đạt 96,3 triệu tấn/năm. Không những thế, Đông Nam Á cũng là nơi có 2 nhà xuất khẩu LNG lớn nhất toàn cầu. Năm 2022, Malaysia và Indonesia xếp thứ năm và thứ sáu trong số các quốc gia xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 10% tổng lượng xuất khẩu LNG toàn cầu cộng lại. Hai quốc gia này cũng tạo nên công suất xuất khẩu LNG mới theo kế hoạch của Đông Nam Á với tổng công suất 13,5 triệu tấn/năm.
Nghiên cứu của CEED cho biết, cuộc chạy đua phát triển điện khí không có ý nghĩa gì đối với một khu vực rất dễ bị tổn thương trước khủng hoảng khí hậu. Điều này cũng sẽ không thể thực hiện được nếu không có nguồn tài chính trị giá 60,3 tỷ USD dành cho ngành khí đốt kể từ năm 2016.
Báo cáo đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự can thiệp mạnh mẽ của các nước phát triển trong việc xây dựng ngành điện khí khu vực. 4 ngân hàng Nhật Bản với tổng vốn tài trợ là 9,7 tỷ USD nằm trong Top 10 nhà tài trợ điện khí lớn nhất Đông Nam Á. Ở cấp độ trong nước, ngân hàng Thái Lan hỗ trợ cho ngành Điện khí lớn nhất với tổng số tiền 10,2 tỷ USD. Trong số các tổ chức tài chính tư nhân được xác định đã đóng góp cho ngành kể từ năm 2016, có 36 tổ chức là các bên ký kết của Liên minh ngân hàng Net-Zero, Liên minh chủ sở hữu tài sản Net-Zero hoặc Sáng kiến quản lý tài sản Net-Zero. Đây là những tổ chức tham gia thành lập Liên minh tài chính vì Net-Zero Glasgow (GFANZ).
Kể từ năm 2016, các nước Đông Nam Á đã bổ sung nhiều công suất năng lượng tái tạo hơn so với điện khí. |
Tuy nhiên, báo cáo của CEED cho biết Đông Nam Á cũng đang ở đỉnh cao của quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo. Kể từ năm 2016, các quốc gia Đông Nam Á đã bổ sung nhiều công suất năng lượng tái tạo hơn so với điện khí, ngay cả khi năng lượng tái tạo chỉ nhận được nguồn tài chính bằng khoảng một nửa so với khí đốt trong cùng giai đoạn, khoảng 31,8 tỷ USD. Với mức 328GW, công suất năng lượng tái tạo theo kế hoạch trong khu vực cũng vượt xa công suất điện khí.
Ông Gerry Arances, Giám đốc điều hành của CEED cho biết: “Đông Nam Á đang ở đỉnh điểm của quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo, nhưng việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ việc sử dụng LNG và khí đốt trong khu vực đã làm suy yếu quá trình này. Mặt khác, nó cũng làm suy yếu hy vọng duy trì mục tiêu 1,5°C trong tầm tay. Đây là vấn đề sinh tử đối với người dân Đông Nam Á, một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước cuộc khủng hoảng khí hậu.
Khi Hội nghị COP 28 diễn ra, các Chính phủ Đông Nam Á có thể phục vụ lợi ích tốt nhất cho người dân của mình bằng cách yêu cầu chấm dứt tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch và chuyển đổi nhanh chóng, công bằng sang 100% năng lượng tái tạo”.
Trong khi đó, ông Tzeporah Berman, Chủ tịch Hiệp ước không phổ biến nhiên liệu hóa thạch cho rằng: “Để phù hợp với mục tiêu 1,5°C có nghĩa là không có hoạt động thăm dò mới và không có nguồn tài chính mới cho tất cả các dự án nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả khí đốt - không chỉ ở Đông Nam Á mà ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Việc chúng ta có những khoản đầu tư mà bạn thấy trong báo cáo này được thực hiện ở Đông Nam Á và được các nước như Nhật Bản thúc đẩy, tài trợ trong khi họ nói ở các Hội nghị về việc đạt được các mục tiêu về khí hậu là hoàn toàn vô lý”.
Dịch Phong
Theo