Thứ sáu 08/11/2024 01:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Bộ Xây dựng và GIZ ký Bản ghi nhớ hợp tác Chương trình nhà ở xanh Việt Nam 2021 - 2025

19:32 | 06/01/2021

(Xây dựng) – Ngày 6/1, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cùng Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) ký Bản ghi nhớ hợp tác về thực hiện Chương trình hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà (PEEB) tại Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025.

bo xay dung va giz ky ban ghi nho hop tac chuong trinh nha o xanh viet nam 2021 2025
Bộ Xây dựng và GIZ ký Bản ghi nhớ hợp tác Chương trình nhà ở xanh Việt Nam 2021 – 2025.

Các tòa nhà phát thải gần 40% khí nhà kính

Chương trình nhà ở xanh Việt Nam được xây dựng trong khuôn khổ Chương trình PEEB. Đây là sáng kiến chung của Chính phủ hai nước Đức – Pháp nhằm kết hợp tư vấn, cung cấp tài chính và chuyên môn kỹ thuật từ GIZ, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Cơ quan Quản lý môi trường và năng lượng Pháp (ADEME).

Chương trình PEEB hỗ trợ các nước đối tác nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà và thúc đẩy đầu tư xanh.

Tại Việt Nam, PEEB tập trung vào các chương trình nhà ở xanh và các tòa nhà thương mại quy mô lớn. Chương trình nhà ở xanh Việt Nam sẽ hỗ trợ thúc đẩy các chủ đầu tư tư nhân tham gia thị trường công trình xanh và hiệu quả năng lượng.

Chương trình cũng khuyến khích các ngân hàng thương mại trong nước phát triển các sản phẩm tín dụng xanh cho chủ đầu tư, khách hàng mua nhà và các nhà cung cấp thiết bị, vật liệu xanh có liên quan trong phân khúc nhà ở thương mại giá thấp.

Việc Bộ Xây dựng và GIZ ký Bản ghi nhớ hợp tác sẽ góp phần thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực công trình nhà ở tại Việt Nam.

Theo đó, GIZ và Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản sẽ phối hợp xây dựng, triển khai Chương trình nhà ở xanh Việt Nam, hướng đến nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính trong phân khúc nhà ở giá thấp. Điều này sẽ góp phần thực hiện cam kết đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Chia sẻ tại Lễ ký kết, Giám đốc Chương trình quốc gia PEEB tại Việt Nam, ông Kia Fariborz đánh giá cao tầm quan trọng của ngành Xây dựng đối với các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Điều này càng quan trọng hơn tại Việt Nam, một nền kinh tế mới nổi có sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu mở rộng không gian và tiện nghi nhà ở do sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu.

Theo ông Kia Fariborz, phát thải trong lĩnh vực xây dựng và các tòa nhà chiếm đến gần 40% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Không những thế, vòng đời sử dụng các tòa nhà còn kéo dài từ 50 - 80 năm, đặc biệt là trong lĩnh vực nhà ở.

Việc sử dụng năng lượng không hiệu quả và mức độ phát thải khí nhà kính cao rất có thể tồn tại theo vòng đời của tòa nhà trong nhiều thập kỷ. Để giải quyết vấn đề này, các nguồn tài chính xanh được cung cấp nhằm phát triển và áp dụng các giải pháp công nghệ xanh trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản.

bo xay dung va giz ky ban ghi nho hop tac chuong trinh nha o xanh viet nam 2021 2025
Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản chủ trì Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác Chương trình nhà ở xanh Việt Nam 2021 - 2025.

Tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính thông qua sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng là rất lớn. Do đó, nỗ lực hợp tác của GIZ với Bộ Xây dựng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

Ông Kia Fariborz nhấn mạnh: Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản xây dựng Chương trình nhà ở xanh Việt Nam và tiếp cận nguồn tài chính xanh nhằm phát triển thị trường nhà ở thân thiện với môi trường, có chi phí phù hợp dành cho nhóm thu nhập trung bình ở Việt Nam.

Chương trình giúp tiết kiệm gần 16 nghìn tỷ đồng tiền điện

Đánh giá về tiềm năng của thị trường nhà ở thương mại giá thấp, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết: Trong các loại hình nhà ở hiện nay thì loại hình nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận cư dân đô thị. Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm vấn đề này do thị trường đang có nhu cầu rất lớn nhưng nguồn cung hiện nay còn hạn chế.

Hơn nữa, trong phân khúc này cũng có sự lệch pha cung - cầu rất lớn do hầu hết các doanh nghiệp chỉ tập trung phát triển loại hình nhà ở phân khúc trung và cao cấp.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam còn quan tâm đến việc sử dụng hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà. Với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, Bộ Xây dựng cơ bản hoàn thiện hệ thống quy chuẩn liên quan đến sử dụng tiết kiệm năng lượng trong nhà ở. Nhưng để nâng cao hiệu lực của chính sách thì cần tập trung vào các cơ chế thực hiện, cụ thể là các chương trình kích cầu thị trường.

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đánh giá, thị trường nhà ở thương mại giá thấp có nhiều tiềm năng để phổ biến quy chuẩn, kỹ thuật về sử dụng hiệu quả năng lượng và phát thải thấp.

Trong khi đó, GIZ dự báo Chương trình tài chính xanh có thể kích cầu khoảng 200 dự án (khoảng 40.000 căn hộ) tương đương khoảng 4% thị trường nhà ở chung cư hoặc 6% phân khúc nhà ở trung bình hiện nay ở Việt Nam. Đây là tỷ lệ rất tốt để kích cầu, tạo ra sự thay đổi trên thị trường.

Đáng chú ý, việc kích cầu những căn hộ thấp nhất của phân khúc trung bình có thể đóng vai trò đòn bẩy ảnh hưởng đến các phân khúc cao hơn và tiến tới ảnh hưởng toàn bộ thị trường.

Theo tính toán Bộ Xây dựng, trong vòng 10 năm sau khi hoàn thành mục tiêu của Chương trình nhà ở xanh, các chung cư tại Việt Nam sẽ tiết kiệm khoảng 6,3 tỷ kWh điện, tương đương khoảng 15,8 nghìn tỷ đồng. Đây là chi phí tiết kiệm đáng kể mà người mua nhà sẽ được hưởng nếu sử dụng hiệu quả năng lượng trong căn hộ chung cư.

bo xay dung va giz ky ban ghi nho hop tac chuong trinh nha o xanh viet nam 2021 2025
Ông Kia Fariborz - Giám đốc PEEB tại Việt Nam cam kết hỗ trợ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản xây dựng Chương trình nhà ở xanh Việt Nam.

Thực tế, một số công trình xanh cho nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội tại Việt Nam đã tiết kiệm được khoảng 5 tỷ đồng/năm tiền điện và 0,69 tỷ đồng/năm tiền nước, trên tổng chi phí phụ trội là 19 tỷ đồng (khoảng 1% tổng mức đầu tư).

Nhưng trở ngại là các chủ đầu tư chưa được hưởng lợi đầy đủ từ nguồn tài chính dành cho hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, họ đang kiến nghị có cơ chế tài chính để bù đắp chi phí đầu tư.

Trong ngắn hạn, Chương trình nhà ở xanh cũng tạo được nguồn cung dồi dào về nhà ở thương mại giá thấp giúp cho người dân tiếp cận được nhà ở phù hợp với mức thu nhập.

Hữu Mạnh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load