(Xây dựng) - Ngày 3/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã đồng chủ trì buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương về tháo gỡ dứt điểm từng nội dung công việc liên quan đến lĩnh vực TT&TT mà tỉnh đang gặp khó khăn.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi chủ trì buổi làm việc. |
Phần lớn thời gian chương trình làm việc giữa Bộ TT&TT và tỉnh Bình Dương đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi điều hành theo phương thức trao đổi, tháo gỡ dứt điểm từng nội dung công việc liên quan đến lĩnh vực TT&TT mà Bình Dương đang gặp khó khăn, vướng mắc.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lợi khẳng định, lãnh đạo tỉnh có đủ quyết tâm cũng như tỉnh Bình Dương có điều kiện về đầu tư hạ tầng; Tỉnh ủy Bình Dương chủ trương thành lập một Ban chỉ đạo chung cho cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, Đề án 06, đô thị thông minh và Bí thư Tỉnh ủy được thường trực phân công trực tiếp lãnh đạo.
Bình Dương là tỉnh đang phát triển ở top đầu trong vùng Đông Nam bộ, tỉnh đã triển khai nhiều nội dung công việc về chuyển đổi số, cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh... Tuy nhiên, địa phương này vẫn còn lúng túng trong thực hiện các công việc, làm thế nào cho hiệu quả.
Giải đáp những trăn trở của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã giới thiệu dự thảo “Kế hoạch hành động chuyển đổi số địa phương giai đoạn 2023 – 2025” do Bộ TT&TT xây dựng. Tài liệu này được viết đơn giản, dễ hiểu, chỉ ra những công việc cụ thể để chuyển đổi số địa phương từ nay đến năm 2025, trong đó hướng dẫn tỉnh phải làm gì, làm như thế nào và bao giờ xong.
Theo cam kết, chậm nhất là ngày 20/10, Bộ TT&TT sẽ ban hành hướng dẫn chuyển đổi số địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, đây là cách làm mới của Bộ, sẽ được áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác. “Với hướng dẫn chuyển đổi số địa phương, có khoảng 50-60 việc, trong đó khoảng 60-70% việc tỉnh không phải làm, mà được thực hiện từ Trung ương và doanh nghiệp địa phương chỉ phải làm khoảng 30%”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Phạm Đức Long và lãnh đạo một số đơn vị của Bộ TT&TT cùng Đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương tham gia buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ TT&TT và các cơ quan tham mưu cũng thảo luận với các đơn vị của tỉnh để tìm ra hướng tháo gỡ, giải quyết một số vấn đề khác của tỉnh như có nên đầu tư xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung tại Bình Dương và quy mô của khu này thế nào là phù hợp; việc cấp phép đầu tư mạng 5G dùng riêng cho Becamex IDC phục vụ nhà máy thông minh; cách gỡ khó trong chia sẻ dữ liệu từ cơ sở chuyên ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho địa phương; hay khó khăn trong đầu tư trung tâm giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông của địa phương do thiếu tiêu chuẩn camera...
Nhấn mạnh tinh thần phục vụ, hỗ trợ địa phương của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Bình Dương trong quá trình triển khai công việc, khi gặp vướng mắc, muốn có ý kiến tư vấn, thẩm định thì lúc nào cũng có thể hỏi các đơn vị thuộc Bộ.
Khẳng định quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Bình Dương trong việc xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số và hướng tới hình thành thành phố thông minh để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn; ông Nguyễn Văn Lợi bày tỏ mong muốn nhận được sự tham mưu của Bộ TT&TT với vai trò như một “kiến trúc sư trưởng” về công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho tỉnh. “Buổi làm việc là bài học của chúng ta, cho thấy cần phải gắn kết với Bộ TT&TT. Đặc biệt, các tỉnh đang phát triển như Bình Dương, cần thiết phải có sự giúp sức của Bộ TT&TT”, ông Nguyễn Văn Lợi chia sẻ.
Yphong
Theo