(Xây dựng) - Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa truyền thống xuất hiện từ rất sớm. Sự ra đời, tồn tại và phát triển của võ cổ truyền Bình Định song hành cùng cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trải qua hàng trăm năm, miền đất võ Bình Định hiện có gần 180 võ đường, câu lạc bộ võ cổ truyền.
Võ sư Lý Xuân Vân với thế di thân bán hạ. |
Những làng võ nổi tiếng trên miền đất võ
Võ cổ truyền Bình Định xuất hiện từ rất sớm nhưng đến thời Tây Sơn vào thế kỷ XVIII mới thể hiện rõ nét. Trải qua hàng trăm năm, Bình Định hiện có gần 180 võ đường, câu lạc bộ võ cổ truyền được hình thành bởi những làng võ nổi tiếng từ xưa đến nay, như giai thoại làng võ Phong Phú của Phong trào Tây Sơn, hay các vùng đất võ nổi tiếng “Trai An Thái, gái An Vinh”, “Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh”.
Nói về làng võ Thuận Truyền ở thôn Hòa Mỹ, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn không thể không nhắc đến huyền thoại Hồ Nhu. Huyền thoại này được nối dài tới đời võ sư Hồ Sừng. Lò võ Hồ Sừng là lò võ tại gia nằm trong một con hẻm sâu ở thôn Hòa Mỹ. Ngôi nhà võ đường này cũng chính là nơi xưa kia cố lão võ sư Hồ Nhu sinh sống và tập võ. Võ đường Hồ gia hay làng võ Thuận Truyền được nhắc đến nhiều bởi môn roi.
Tuy nhiên, những bài thiệu và thế võ mỗi môn binh khí đều đi vào sách vở, mọi võ lý của môn roi người theo nghiệp võ nghệ đều biết. Các bài roi: Thất bộ, Thái Sơn, Bát quái, Tứ môn, Ngũ môn, Trực chỉ, Tấn nhất, Tiên ông, rồi ngay cả Lạc côn - bài roi mà ông nội võ sư Hồ Sừng ngày xưa học từ thầy Hồ Khiêm, vốn được xem là bảo vật của dòng họ, giờ cũng là tài sản chung của võ cổ truyền Bình Định.
Tuyệt kỹ thế roi dựng tại võ đường Lê Xuân Cảnh. |
Hay chùa Long Phước tọa lạc xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước không chỉ biết đến là một ngôi chùa cổ kính, mà còn được ví là nơi có bề dày truyền thống bảo tồn và phát huy những bài võ bí truyền, độc đáo của võ cổ truyền Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung. Việc tổ chức dạy võ thuật cổ truyền ở chùa Long Phước được bắt đầu cách đây 30 năm, do đại võ sư quốc tế Hòa thượng Thích Hạnh Hòa là trụ trì chùa Long Phước, cùng đệ tử Thích Vạn Thanh (sau này hoàn tục là võ sư Nguyễn Đông Hải) khởi xướng.
Nói về sự tinh túy võ học cổ truyền của chùa Long Phước, đại võ sư quốc tế Hòa thượng Thích Hạnh Hòa cho biết: Chùa Long Phước có những bài thảo, bài võ bí truyền không giống với bất cứ bài võ nào trong các làng võ cổ truyền Bình Định. Trong số đó có một bài đao với đường nét rất nhanh, đẹp mắt, đường đao như hòa lẫn với người.
Với bản sắc riêng biệt khác hẳn với các võ đường, Câu lạc bộ võ thuật chùa Long Phước chú trọng dạy cho các đệ tử đạo lý của nhà Phật, bên cạnh việc dạy võ công môn sinh đến học võ tại chùa đều là những người có tâm hướng thiện, học võ chính là để tu tâm, rèn luyện sức khỏe, tuyệt đối không xem đó là vũ khí để giao đấu đánh người, tuyệt đối không thi đấu đối kháng.
Bảo tồn tinh hoa võ cổ truyền
Là một trong 6 võ đường tiêu biểu của tỉnh Bình Định cũng như một trong những nghệ nhân nhân dân tâm huyết, truyền dạy với võ cổ truyền, đại võ sư Lê Văn Cảnh (79 tuổi) cùng võ đường Lê Xuân Cảnh do võ sư sáng lập ở phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn luôn đi đầu trong phong trào tập luyện cho thế hệ trẻ cũng như gìn giữ, bảo tồn tinh hoa võ cổ truyền dân tộc vươn xa.
Gần 50 năm, võ sư Lê Văn Cảnh không chỉ dành trọn cuộc đời cho tinh hoa võ Việt cổ truyền dân tộc, mà còn là người thầy có tấm lòng cao đẹp, miệt mài dạy võ miễn phí cho hàng trăm thế hệ môn sinh trong võ đường của mình. Võ sư Lê Văn Cảnh từng chia sẻ, người học võ trước hết phải học lễ nghĩa, sau mới đến học võ. Đấy là cách để ông trau dồi đạo đức cho các môn sinh, giáo dục tinh thần tôn sư trọng đạo, nhắc nhở các thế hệ môn sinh trong võ đường có ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản võ cổ truyền dân tộc.
Nói về chuyện dạy võ miễn phí, không thu tiền, lão võ sư Lê Văn Cảnh bộc bạch: Tôi không chỉ duy nhất dạy võ thuật, mà còn dạy võ để phục vụ cho các phong trào lễ hội của địa phương. Học võ cổ truyền là học cả đời, không phải học trong thời gian ngắn, mà trải qua học nhiều năm. Nếu học lâu dài mà thu học phí, thì tiền đâu các cháu môn sinh theo học. Võ đường dạy quanh năm luôn có môn sinh, khi nào có phong trào lễ hội là có đủ lực lượng môn sinh tham gia.
Nghệ nhân nhân dân, đại võ sư Lê Văn Cảnh tận tình, dạy võ miễn phí cho các môn sinh. |
Võ đường Phi Long Vịnh được biết đến là một trong số ít gia đình “Tứ đại đồng đường” của một phái võ, là nơi truyền lửa góp phần làm phát triển mạnh mẽ, lan tỏa phong trào tập luyện võ cổ truyền trong giới trẻ.
Trò chuyện với chúng tôi, đại võ sư quốc tế Phi Long Vịnh cho hay: Tôi là cháu đời thứ IX của Trương Văn Hiến (thầy giáo Hiến, sư phụ của ba anh em nhà Tây Sơn gồm Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ). Tôi học võ từ năm 8 tuổi, được cha ruột truyền dạy những bí kíp võ nghệ của dòng họ Trương nổi tiếng để lại, trong đó có bài quyền “Ngọc Trản thần công”. Sau đó, tôi học võ thêm từ bác Trương Hoàng và Trương Xuân Ba. Năm 25 tuổi, tôi lập ra võ đường Phi Long Vịnh tại thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước với hàng nghìn võ sinh theo học.
Võ thuật cổ truyền Bình Định được giới trẻ đam mê rèn luyện sức khỏe. |
Chia sẻ về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản võ cổ truyền, ông Bùi Trung Hiếu – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định cho biết: Đầu tiên vẫn là công tác tuyên truyền, bởi giờ đây việc học võ cổ truyền không còn hấp dẫn đối giới trẻ nữa và thay vào đó là các môn giải trí hiện đại đang lấn dần. Làm cách nào đó, chúng ta phải tuyên truyền hiệu quả cho giới trẻ hiểu rõ hơn về giá trị võ cổ truyền Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung.
Ông Bùi Trung Hiếu tiếp lời: Võ cổ truyền không phải đơn thuần là một môn thể thảo mà đây chính là một giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, là hồn cốt của dân tộc. Từ nhận thức đó để giới trẻ tham gia tập luyện, xây dựng phong trào tập võ như phong trào thể thao quần chúng, phát triển rộng khắp trong cộng đông, nhà nhà tập võ, người người học võ và làng làng học võ.
Mỹ Bình
Theo