Thứ sáu 08/11/2024 14:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Thị trường bất động sản Hà Nội quý IV/2020:

Bất động sản công nghiệp Việt Nam tăng trưởng tích cực

19:21 | 10/01/2021

(Xây dựng) - Bất động sản Hà Nội trong quý IV/2020 vừa được CBRE công bố có nhiều vấn đề nổi bật, trong đó, bất động sản công nghiệp Việt Nam tăng trưởng tích cực tuy nhiên chung cư mở bán thấp nhất theo năm.

bat dong san cong nghiep viet nam tang truong tich cuc
Phân khúc bất động sản công nghiệp - Điểm sáng của thị trường.

Chung cư mở bán thấp nhất theo năm tính từ năm 2015

Trong năm 2020, thị trường Hà Nội ghi nhận xấp xỉ 18.000 căn hộ mở bán mới, giảm 52% theo năm. Đây là mức mở bán thấp nhất theo năm tính từ năm 2015 – thời điểm thị trường phục hồi mạnh mẽ. Đáng chú ý, lượng mở bán mới bật tăng trong quý IV sau 9 tháng đầu năm tương đối trầm lắng với 7.200 căn, tương đương với mức mở bán theo quý trước Covid-19. Theo khu vực, nguồn cung mới ở khu phía Đông vượt qua các khu vực khác, chiếm 44% lượng mở bán mới trong năm 2020. Nguồn cung mới ở khu vực này chủ yếu đến từ các khu đô thị lớn như Vinhomes Ocean Park và Ecopark.

bat dong san cong nghiep viet nam tang truong tich cuc
Trong năm 2020, thị trường Hà Nội ghi nhận xấp xỉ 18.000 căn hộ mở bán mới, giảm 52% theo năm.

Về hoạt động thị trường, có khoảng 18.500 căn hộ bán được trong năm 2020, cao hơn lượng mở bán mới. Người mua nhà trong nước trở thành nguồn cầu chính trong bối cảnh các chuyến bay quốc tế gián đoạn làm trì hoãn việc bán hàng cho người mua nước ngoài.

Nguồn cung chào bán mới và doanh số bán dự kiến sẽ cải thiện trong năm 2021, dao động trong khoảng từ 24.000 – 26.000 căn. Thị trường nhà ở Hà Nội dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng mạnh mẽ tới các khu vực dân cư mới, trong khi các khu vực đã phát triển tiếp tục nâng cấp định vị của mình. Do vậy, các dự án bình dân được dự báo sẽ ngày càng dịch chuyển ra xa khỏi khu vực đường vành đai 3.

Về giá bán, giá bán trung bình dự kiến sẽ tăng khoảng 4 - 6% theo năm trong năm 2021, thúc đẩy bởi sự mở bán của các dự án cao cấp tại các vị trí đắc địa. Trong khi đó, mức tăng giá của các dự án mới tại các địa điểm nhà ở mới sẽ được kiểm chứng.

Trong một năm mà hoạt động thị trường bị gián đoạn bởi các biện pháp phong tỏa, hạn chế di chuyển, công nghệ đã đóng vai trò hỗ trợ cho công tác bán hàng và đưa ra quyết định đầu tư. Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc CBRE Việt Nam, chi nhánh Hà Nội cho rằng: “Trong các năm tiếp theo, proptech, big data và công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong phân tích và tìm hiểu người mua, giúp chủ đầu tư nắm bắt nhu cầu và tận dụng các cơ hội mới, cũng như gián đoạn và thử thách các cách thức tiếp cận thị trường đã lỗi thời”.

Nguồn cung của thị trường văn phòng ghi nhận ở mức cao nhất

Trong quý IV/2020, thị trường văn phòng Hà Nội đón chào một dự án hạng B mới, dự án Century Tower ở Times City. Đây là một trong hai dự án mới trong năm 2020 cùng với dự án Capital Place khai trương trong quý III/2020. Do đó, nguồn cung mới của thị trường văn phòng Hà Nội trong năm được ghi nhận ở mức 126.000m2 NLA, cao nhất từ năm 2014. Tổng nguồn cung văn phòng Hà Nội ở cả hai hạng đã vượt mức 1.500.000m2 NLA, với hơn một phần ba tổng nguồn cung đến từ các dự án hạng A.

bat dong san cong nghiep viet nam tang truong tich cuc

Nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19. Do đó, một số khách thuê đã giảm diện tích thuê văn phòng trong năm. Mặc dù hoạt động của thị trường đã khả quan hơn trong quý IV/2020, tổng diện tích hấp thụ của thị trường văn phòng Hà Nội trong năm 2020 là -9.000m2.

Trong năm 2021, thị trường Hà Nội dự kiến sẽ đón chào gần 200.000m2 nguồn cung mới. Một số dự án tiêu biểu bao gồm dự án Techno Park Tower tại Ocean Park, HUD Tower tại quận Thanh Xuân và Thai Building tại quận Cầu Giấy. Trong số đó, dự án Techno Park Tower, với 115.000m2 NLA, dự kiến sẽ tạo nên một khu vực văn phòng mới phía Đông sông Hồng.

Về nhu cầu, các ngành Ngân hàng/Tài Chính/Bảo hiểm, sản xuất và công nghệ thông tin tiếp tục là động lực chính thúc đẩy nhu cầu cho thị trường. Thị trường cũng sẽ chứng kiến nhu cầu tăng lên từ các ngành Logistics, Giáo dục và Thương mại điện tử, trong khi một số ngành như Văn phòng linh hoạt và Năng lượng giảm hoạt động thuê. Chúng tôi dự kiến nhu cầu thuê sẽ tiếp tục thay đổi, khi đại dịch dần được kiểm soát.

Theo nghiên cứu mới nhất của CBRE, 35% doanh nghiệp tại châu Á – Thái Bình Dương hiện đang khuyến khích nhân viên làm việc tại văn phòng và cho phép làm việc tại nhà nếu muốn. Không gian văn phòng cho phép sự linh hoạt cho nhân viên trở nên quan trọng hơn, khi nhiều doanh nghiệp dự kiến sẽ áp dụng mô hình kết hợp giữa làm việc từ xa và tại văn phòng. Mật độ sử dụng văn phòng cũng dự kiến sẽ giảm tại một số doanh nghiệp, do sự gia tăng các lo ngại về sức khỏe và sự an toàn.

Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam tăng trưởng tích cực

Trong đại dịch Covid-19, thị trường khu công nghiệp là mảng duy nhất chứng kiến tăng trưởng tích cực về cả giá thuê và tỷ lệ lấp đầy. Tại quý IV/2020, giá thuê trung bình tại các khu công nghiệp đã có từ năm 2019 tại năm tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) đạt 89,7%, tăng 2,1 đpt theo năm. Tương tự, tỷ lệ lấp đầy tại bốn tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Nam đạt 87,0%, tăng 2,5 đpt theo năm.

Do sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc cũng như EVFTA, nhu cầu cho đất công nghiệp cũng tăng trên toàn Việt Nam. CBRE ghi nhận giá thuê tại một số khu công nghiệp tại Hải Phòng, Bắc Ninh và Hải Dương ở miền Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Long An ở miền Nam tăng từ 20 - 30% theo năm.

Hoạt động của kho và xưởng xây sẵn duy trì ở mức ổn định theo năm do nguồn cung lớn được đưa trong năm 2019 và 2020 cũng như hoạt động cho thuê bị trì hoãn do lệnh hạn chế đi lại. Sự tăng trưởng mạnh của các công ty thương mại điện tử và logistics kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ đã thúc đẩy nhu cầu về không gian lưu trữ và cơ sở phân phối. Do đó, nhu cầu tìm kiếm quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng kho vận tăng lên đáng kể, với 20% tổng yêu cầu hỏi thuê cho ngành này, theo ghi nhận bởi CBRE. Tại các vị trí đắc địa với hạn chế về nguồn cung đất công nghiệp, kho cao tầng sẽ bắt đầu xuất hiện nhằm tạo không gian lưu trữ lớn hơn để đáp ứng nhu cầu của các công ty thương mại điện tử, đặc biệt là để làm địa điểm để giao hàng chặng cuối.

Với sự thay đổi mạnh mẽ trong đại dịch, thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đã trở thành cơ hội hấp dẫn cho cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Trong năm 2020, bất chấp đại dịch, các ông lớn về kho xưởng quốc tế như GLP, LOGOS và JD.com đã tham gia và đầu tư mạnh mẽ vào cả miền Bắc và miền Nam. VinGroup, một chủ đầu tư bất động sản lớn tại Việt Nam, cũng đã gia nhập thụ trường, với hai khu công nghiệp mới dự kiến sẽ ra mắt trong năm 2021.

bat dong san cong nghiep viet nam tang truong tich cuc

Việc mở rộng của các doanh nghiệp hiện hữu và xây dựng các cơ sở sản xuất trong bối cảnh đẩy mạnh sự di dời chuỗi cung ứng sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu trong những năm tới. Trong khi giá thuê đất công nghiệp đã đạt mức cao tại một số khu công nghiệp có vị trí tốt, khách thuê sẽ phải tìm kiếm nguồn cung đất mới tại các khu vực ngoài các trung tâm công nghiệp hiện hữu. Ngoài ra, các chủ đầu tư khu công nghiệp cũng đang thực hiện các thay đổi về phát triển sản phẩm để thích ứng với tình hình mới. Các điểm nổi bật là sự áp dụng công nghệ hiện đại để quản lý và vận hành cơ sở hạ tầng, cung cấp các gói dịch vụ bao gồm dịch vụ pháp lý, nhân sự để giúp khách thuê tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình thực hiện dự án. Điều này đang dần tạo nên một mô hình phát triển bất động sản công nghiệp mới tại Việt Nam, tích hợp việc cung cấp và đầu tư bất động sản công nghiệp cũng như các dịch vụ hỗ trợ quản lý.

Kim Oanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load