Thứ năm 14/11/2024 05:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Bảo tồn thích ứng là vấn đề “sống còn” đối với các công trình kiến trúc Pháp cổ tại Hà Nội

12:59 | 02/03/2022

(Xây dựng) – Theo TS.KTS Trương Ngọc Lân – Phó Trưởng khoa Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng), để gìn giữ các công trình theo lối kiến trúc Pháp cổ, đồng thời tiếp tục phát triển, khai thác hiệu quả kinh tế - xã hội từ những công trình ấy, chúng ta nên học tập theo mô hình “bảo tồn thích ứng”.

bao ton thich ung la van de song con doi voi cac cong trinh kien truc phap co tai ha noi
Biệt thự số 9 đường Thanh Niên mang phong cách miền Bắc nước Pháp từng thuộc sở hữu của Giám đốc Nhà máy Gạch ngói Đông Dương.

Hà Nội đẹp và quyến rũ bởi những công trình kiến trúc. Sự đan xen hòa quyện giữa các đường nét kiến trúc cổ với nghệ thuật kiến trúc Pháp đã tạo nên một không gian kiến trúc Hà Nội vừa cổ kính vừa hiện đại cùng tồn tại mãi với thời gian.

Nói về những giá trị của hàng loạt biệt thực, công trình kiến trúc Pháp cổ tại Hà Nội, TS.KTS Trương Ngọc Lân – Phó Trưởng khoa Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng) chia sẻ: Không thể không nhắc đến những giá trị di sản mà chúng mang lại. Tuy nhiên, tôi muốn nói sâu hơn, về khía cạnh chuyên môn, công trình mà do là người Pháp xây dựng trước năm 1954 ở Hà Nội có rất nhiều giá trị về lịch sử, xã hội, nghệ thuật…

Thứ nhất, sự xuất hiện của các công trình kiến trúc Pháp đã tạo ra những mô hình sinh hoạt mới. Trước đây chúng ta chỉ ở nhà liền kề, nhà theo kiểu nông thôn, nhưng giờ đây xuất hiện nhà kiểu phương Tây, tích hợp nhiều chức năng… Sự xuất hiện của những công trình kiến trúc Pháp đánh dấu thời kỳ phát triển của xã hội Việt Nam, từ truyền thống sang hiện đại.

Thứ hai, đó là sự thay đổi về quan điểm, tư duy nghệ thuật, tư duy về cái đẹp. Trước đây chúng ta chỉ có một luồng nghệ thuật truyền thống thôi, nhưng những người ở thế hệ sau đã chấp nhận những luồng nghệ thuật phương Tây và đến ngày nay nó đã trở thành một phần của đời sống nghệ thuật của người Việt Nam.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến giá tị về mặt kỹ thuật, công nghệ. Những kiến trúc sư người Pháp đã sáng tạo dựa trên nguyên tắc kết hợp khéo léo giữa mặt bằng, phân vị khối kiến trúc công trình theo ngôn ngữ kiến trúc cổ điển phương Tây với bộ mái dốc phương Đông và chi tiết trang trí phỏng theo văn hóa kiến trúc truyền thống địa phương trên mặt đứng công trình, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp thích ứng với sự khắc nghiệt về khí hậu nhiệt đới ở Hà Nội, nóng, ẩm về mùa hè và lạnh về mùa đông được áp dụng, như: Mái dốc thường đua xa cùng với hàng hiên rộng để che mưa, chống nắng; sử dụng tầng bán hầm, tầng áp mái trong công trình cùng các ô trống ở sát sàn và trần của các phòng để tăng cường hiệu quả tích cực của thông thoáng tự nhiên và giảm độ ẩm tương đối thường rất cao ở Hà Nội vào đầu mùa hè.

Cuối cùng, về kiến trúc đô thị, sự đa dạng về phong cách kiến trúc biệt thự Pháp ở Hà Nội thể hiện đúng quy luật tiếp biến văn hóa trong phát triển của kiến trúc, đi từ nhập khẩu đến kết hợp và sau cùng là sáng tạo phong cách kiến trúc phù hợp với địa phương. Bên cạnh giá trị đơn lẻ về kiến trúc biệt thự, rất cần sự thống nhất về giá trị tổng thể của kiến trúc Pháp như là di sản kiến trúc đô thị lịch sử – một thành phần quan trọng góp phần tạo nên giá trị của cấu trúc không gian đô thị khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội để có giải pháp can thiệp thích ứng và nhất quán trong quá trình phát triển hiện nay. Quá trình phát triển kiến trúc biệt thự ở Hà Nội trong gần một trăm năm đã tạo nên một quỹ di sản kiến trúc và đô thị có giá trị, góp phần làm nên bản sắc đô thị.

Đánh giá về công tác bảo tồn, duy tu, tôn tạo các công trình có lối kiến trúc Pháp tại Thủ đô, TS.KTS Trương Ngọc Lân cho rằng “chưa hoàn chỉnh”. Bởi, có rất nhiều công trình thuộc sở hữu bởi nhiều cá nhân, tập thể, tổ chức, tư nhân… khác nhau. Và những chủ sở hữu này chưa hiểu hết về những giá trị của di sản. Ngoài ra, có rất nhiều công trình kiến trúc chưa được xếp hạng. Nên theo thời gian dài sử dụng, sang tên đổi chủ… hầu hết các công trình đều bị biển đổi, thay đổi so với ban đầu, thậm chí có những công trình đã bị phá hủy gần như hoàn toàn.

Có thể thấy, công tác bảo tồn hiện nay chưa theo kịp được cái sự phát triển đô thị của xã hội. Dù Hà Nội đã có một danh sách các công trình trước năm 1954 là công trình công cộng để mà đưa vào kế hoạch bảo tồn, tôn tạo. Đồng thời cũng có danh sách các biệt thự được chấm điểm, xếp hạng để bảo vệ, duy tu. Tuy vậy, hiệu lực quản lý thì còn yếu kém, chưa tốt. Hơn hết, khó khăn lớn nhất mà chúng ta gặp phải là sự rà soát, kiểm tra còn chưa được sát sao. Dẫn đến việc quản lý các công trình, di sản… chưa thực sự thống nhất.

Cuối năm 2021, UBDN quận Hoàn Kiếm (Hà Nội, Việt Nam) phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế vùng Paris (PRX - Cộng hoà Pháp) tổ chức trưng bày dự án bảo tồn biệt thự cổ số 49 phố Trần Hưng Đạo. Dự án bảo tồn căn biệt thự cổ này hiện đang được Hà Nội và vùng Ile de France lên phương án cải tạo.

Trao đổi thêm về thông tin trên, TS.KTS Trương Ngọc Lân cho biết: Việc chính quyền thành phố phối kết hợp với các tổ chức nước ngoài để duy tu, cải tạo các công trình cổ vẫn được diễn ra thường xuyên. Nhưng sự tài trợ từ nước ngoài và kinh phí có hạn, do đó trong vòng 10 năm qua, số lượng các công trình được bảo tồn chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Điển hình như tại quận Hoàn Kiếm – nơi có Ban Quản lý phố cổ, trong suốt thời gian qua đã tu bổ, gìn giữ được một số công trình hết sức trân quý như phố Tạ Hiện, Hội quản Quảng Đông, đình Kim Ngân, Trung tâm văn hóa Đào Duy Từ…

Ở một số quốc gia, những công trình mà thậm chí chưa được công nhận là di sản nhưng mà nó trong vùng được bảo tồn, bảo vệ thì hiệu lực quản lý của họ cũng khá tốt và ý thức chấp hành của người dân cũng rất cao. Họ có những ràng buộc bởi luật, pháp luật rõ ràng, chi tiết. Người dân vẫn có thể khai thác hiệu quả kinh tế, xã hội từ những công trình đó, đồng thời bảo tồn, gìn giữ phần “hồn cốt”, cốt lõi của công trình kiến trúc. Đó là mô hình “bảo tồn thích ứng” – gìn giữ và bảo vệ giá trị kiến trúc nhưng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của xã hội. Đây là mô hình rất hay mà Việt Nam nên học tập. Bởi nó là vấn đề “sống còn”, quyết định đến việc gìn giữ một kho tàng công trình kiến trúc khổng lồ, độc đáo có một không hai trong dòng chảy hối hả của cuộc sống đương đại.

Giá trị của kiến trúc Pháp tại Hà Nội đã được khẳng định trong thời gian qua. Tuy nhiên, đứng trước sự biến đổi về văn hóa, xã hội và kinh tế, quỹ di sản đô thị này đang dần bị mai một. Vì vậy, vấn đề cấp thiết đề ra là cần phòng ngừa và hạn chế những nguy cơ phá huỷ, làm hư hỏng các công trình kiến trúc, các quần thể, các tuyến phố có giá trị. Giữ được những giá trị vật thể và phi vật thể của di sản kiến trúc thuộc địa Pháp trong thời gian lâu dài. Phát huy giá trị di sản kiến trúc thuộc địa Pháp về các mặt xã hội, kinh tế và môi trường, đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững. Giải pháp bảo tồn bền vững nhất thiết phải có sự tham gia của người dân sinh sống trong khu vực di sản, những người và tổ chức có quyền lợi gắn với khu vực di sản, các tổ chức có trụ sở là công trình di sản, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến khu vực di sản, các tổ chức và chuyên gia về vấn đề bảo tồn di sản. Việc trao đổi tương tác giữa các nhóm cộng đồng trong quá trình bảo tồn, sẽ tạo sự minh bạch về thông tin và lòng tin trong quá trình xây dựng chính sách, quy chế bảo tồn, các dự án bảo tồn. Người dân và tổ chức gắn với khu vực di sản cũng như các tổ chức và chuyên gia bảo tồn cần được tham vấn trong toàn bộ quá trình bảo tồn.

Diệu Anh – Vũ Trung

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load