(Xây dựng) - Ngày 30/5, trong chương trình làm việc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Trần Quang Phương, Quốc hội nghe báo cáo của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành và tiến hành thảo luận tại hội trường.
Luật Quy hoạch là chuyên đề giám sát đầu tiên của Quốc hội. |
Luật Quy hoạch được thông qua năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 là một luật khó, liên quan nhiều vấn đề phức tạp, phạm vi rộng. Trong quy trình triển khai luật đã nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Quốc hội khóa XV đã chọn Luật Quy hoạch là chuyên đề giám sát đầu tiên nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan để từ đó đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, góp phần hoàn thiện thể chế về quy hoạch.
Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định: Xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI.
Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 07 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 01 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 43 nghị định, các Bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản có liên quan đến công tác quy hoạch; Thủ tướng Chính phủ cũng đã tổ chức 03 Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch… Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành. Kinh phí lập quy hoạch đã được quan tâm bố trí…
Nhiều tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai luật Quy hoạch
Bên cạnh những thành quả đạt được, thực tế giám sát cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; về công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện...
Theo Đoàn giám sát, quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do Luật Quy hoạch còn bất cập, có quy định chưa phù hợp, chưa rõ ràng.
Hoạt động quy hoạch được điều chỉnh ở nhiều văn bản luật (Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, các luật chuyên ngành khác về các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành) và có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật.
Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội và thực tiễn. Đến nay còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2025.
Do tiến độ lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch chậm nên phải tiếp tục kéo dài thời hạn và điều chỉnh Quy hoạch hiện hành thời kỳ 2011 - 2020, vì vậy đang tồn tại song song, đồng thời áp dụng hai loại quy hoạch. Việc soạn thảo, ban hành Danh mục quy hoạch được tích hợp vào các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và Danh mục quy hoạch hết hiệu lực theo quy định tại điểm c và d khoản 1 Điều 59 còn chậmso với yêu cầu.
Việc lập đồng thời nhiều quy hoạch cùng một thời điểm trong khi số lượng, chất lượng tổ chức tư vấn hạn chế, việc đấu thầu lựa chọn tư vấn theo quy định của Luật Đấu thầu gặp nhiều khó khăn. Số lượng cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn về quy hoạch để tham gia hội đồng thẩm định còn thiếu. Chưa có đầy đủ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lập quy hoạch. Hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chưa cao... nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ, chất lượng lập, phê duyệt các quy hoạch.
Việc phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các Bộ, ngành và địa phương còn nhiều hạn chế.Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất cho công tác quy hoạch vẫn chưa được hoàn thiện. Đoàn giám sát đồng thời phân tích tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Theo đó, việc tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp huyện còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành trong tỉnh.
Việc chấp hành quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa nghiêm, tình trạng sử dụng đất sai mục đích, lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn xảy ra. Việc tổ chức kiểm tra, giám sát quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt ở các cấp chưa thường xuyên. Tình trạng sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.
Nội dung của quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thiếu thống nhất, tiêu chí phân loại đất khác nhau dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Chất lượng các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa cao, thiếu đồng bộ, dự báo về nhu cầu sử dụng đất chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội và nhu cầu thị trường dẫn đến tình trạng thừa - thiếu cục bộ, mất cân đối cung - cầu sử dụng đất, nhiều địa phương có cơ hội thu hút đầu tư nhưng thiếu quỹ đất để phát triển.
Việc lấy ý kiến của các cá nhân, tổ chức cộng đồng dân cư vào nội dung quy hoạch còn mang tính hình thức. Thời gian lấy ý kiến chưa bảo đảm theo quy định của pháp luật. Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch tại một số địa phương, không được nghiên cứu đồng bộ trong quy hoạch phân khu, dẫn tới quá tải về hạ tầng kỹ thuật đô thị đã được phê duyệt…
Đề xuất ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, với 2 quan điểm chính.
Thứ nhất, về các giải phápcần triển khai ngay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quanđược thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành…
Thứ hai, về giải pháp trong trung và dài hạn, Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tại phiên thảo luận, 39 đại biểu đã phát biểu ý kiến, 01 ý kiến tranh luận; 5 đại diện Chính phủ (gồm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã phát biểu trước Quốc hội.
Các đại biểu tập trung phân tích nguyên nhân, đề xuất các kiến nghị, giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập xung quanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và công bố quy hoạch của các cấp các ngành; Sự tồn tại song hành, áp dụng cả hai loại quy hoạch hiện nay; Nội hàm của quy hoạch tổng thế quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; Khái niệm tích hợp quy hoạch; Sự thay thế, bãi bỏ các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm trước đây bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Phân kỳ đầu tư triển khai các dự án quy hoạch…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận định: Các nội dung thảo luận đã bao quát toàn diện, các ý kiến phong phú, sâu sắc, có giá trị cao về lý luận và thực tiễn, thể hiện sự quan tâm, tâm huyết và trách nhiệm của đại biểu đối với công tác quy hoạch.
Các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm và quyết tâm của Đoàn giám sát để hoàn thành tốt mục đích, yêu cầu và nhiệm vụ giám sát chuyên đề của Quốc hội; đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, các cơ quan Chính phủ, sự tham gia tích cực, hiệu quả của Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, Kiểm toán Nhà nước, các chuyên gia, các nhà khoa học và các đại biểu Quốc hội góp phần nâng cao chất lượng giám sát tối cao của Quốc hội, bước đầu tác động tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh: Trước mắt cần khắc phục ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Về các giải pháp trong trung và dài hạn, Quốc hội giao Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch để kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội và hoàn thiện các nội dung dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Quý Anh
Theo