(Xây dựng) - Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải có công văn gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, trả lời ý kiến của cử tri về dự án xây dựng tuyến đường sắt Quảng Ninh - Hà Nội bỏ hoang sẽ tiếp tục được khởi động lại. Cử tri có ý kiến đồng tình nhưng cũng nhiều tâm tư lo ngại.
Ga Mạo Khê bỏ hoang rêu phong cỏ mọc, nhiều toa tàu trở thành sắt vụn. |
Công trình xây dựng tuyến đường sắt Quảng Ninh - Hà Nội, tên đầy đủ là Dự án xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được lập quy hoạch, báo cáo đầu tư xây dựng vào năm 2002, có tổng mức đầu tư 7.665 tỷ đồng (thời giá năm 2.000) bằng nguồn trái phiếu Chính phủ. Dự án được chia thành 4 tiểu dự án độc lập, đồng loạt khởi công xây dựng năm 2004.
Mục tiêu chính của tuyến đường sắt này là đáp ứng nhu cầu liên vận quốc tế, tốc độ cao, khổ đường ray 1,435m (hệ thống đường sắt trong nước khổ 1000mm), khai thác chân hàng từ cảng biển nước sâu Cái Lân, thuộc vùng công nghiệp nặng Quảng Ninh theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 7/1996.
Cảng Cái Lân ở vịnh Cửa Lục năm ấy độ sâu trước bến 13m, thiết kế gồm 8 cầu tàu, 2 bến bốc xếp container và 2 bến nghiêng; kho có diện tích 10.000m2, bãi chứa hàng với 17.000m2; phương tiện bốc dỡ gồm 1 cẩu 20 tấn, 2 cẩu 30 tấn, 2 cẩu 50 tấn di động, 3 cẩu 70 tấn và một số cẩu di động 8-10 tấn. Khi ấy cảng Cái Lân là cảng đồng bộ đầu tiên ở miền Bắc, hội đủ các điều kiện cho tàu tải trọng 40.000 - 50.000 DWT đầy tải vào làm hàng trong mọi điều kiện; khả năng xếp dỡ 5.000.000 - 8.000.000 tấn hàng hóa/năm.
Năm 2012, dự án đang triển khai thì Chính phủ có văn bản tạm dừng, do kinh tế gặp khó khăn nên không có nguồn để tiếp tục thực hiện. Từ năm 2004 đến 2012, trong 8 năm nhà đầu tư thi công xây dựng, tịnh khối lượng công trình, hạng mục đã và đang làm chi phí 4.300 tỷ đồng thi công 3/4 tiểu dự án dở dang; 1/4 tiểu dự án đã xong là đoạn cuối tuyến từ ga Hạ Long đến cảng Cái Lân, tổng mức đầu tư 1.510 tỷ đồng; 3 tiểu dự án còn lại là Yên Viên - Lim, Lim - Phả Lại, Phả Lại - Hạ Long đang bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), các hạng mục xây lắp thi công dở dang. Vật tư gồm: Tà vẹt, đường ray, bu lông, sắt thép… mua về nhập kho ngoài trời trị giá 742 tỷ đồng (cùng thời giá năm 2.000).
Công tác bồi thường, thu hồi đất, GPMB qua 4 địa phương dưới tỉnh gọi chung là huyện, diện tích đất phải thu hồi 82ha, liên quan trực tiếp đến trên 3.600 tổ chức, hộ tập thể và gia đình. Công tác GPMB tổng thể chưa đạt được 60%, phần đã kiểm đếm xong nhưng chưa phê duyệt phương án bồi thường, phần đã có Quyết định phê duyệt phương án bồi thường nhưng chưa có tiền để chi trả.
Tại thành phố Hạ Long, 15km đường sắt qua 4 phường với 721 hộ và tổ chức tập thể bị ảnh hưởng với diện tích đất thu hồi 16,3ha. Tại thị xã Quảng Yên, đường sắt đi qua phường Minh Thành và phường Đông Mai. Phường Minh Thành 207 hộ, diện tích đất thu hồi 19.508,8m2; phường Đông Mai diện tích đất thu hồi, GPMB 10,2ha của 93 hộ dân.
Cụ thể, tại thành phố Uông Bí, diện tích đất thu hồi để sử dụng cho công trình đường sắt này là 268.530m2, liên quan đến 1075 tổ chức, tập thể và hộ gia đình. 811 hộ đã kiểm đếm, 264 hộ chưa kiểm đếm lên phương án bồi thường. UBND Thành phố phê duyệt phương án bồi thường cho 256 hộ và 2 tổ chức; trong đó mới có 198 hộ và 2 tổ chức đã nhận tiền bồi thường, 58 hộ chưa nhận tiền bồi thường.
Thị xã Đông Triều, dự án qua 13 phường xã, sử dụng 26,637ha đất, trong đó: 8,002ha đất ở; 18,635ha đất nông nghiệp liên quan đến nhà đất của 1.372 hộ dân. Trong đó đất nông nghiệp là 792 hộ, đất ở và đất vườn liền kề đất ở là 580 hộ. Hiện 902 hộ đã nhận tiền bồi thường, 236 hộ đã kiểm đếm xong nhưng chưa phê duyệt phương án bồi thường, 186 hộ chưa kiểm đếm, 48 hộ đã có Quyết định phê duyệt phương án nhưng 21 hộ chưa có tiền để chi trả với số tiền là 4,057 tỷ đồng.
Hàng ngàn tà vẹt mua về đánh đống ngoài trời tại ga Yên Cư (thuộc khu 5 phường Đại Yên, thành phố Hạ Long) sắt thép hoen gỉ, bê tông đúc sẵn mưa nắng lâu ngày tự rạn nứt. |
Dự án GPMB chưa xong vẫn đang “treo”, hơn 3.600 hộ dân như bị “giam chân” trên chính thổ đất của mình. Nhà cửa mục nát, không được dỡ ra xây lại; con cái dựng vợ gả chồng tứ đại đồng đường chung sống trong căn nhà nhỏ; đất đai giữ nguyên hiện trạng không được cấp “bìa đỏ” không giao dịch tín dụng ngân hàng, kìm hãm phát triển kinh tế; ruộng vườn chia cắt manh mún… Người dân thấp thỏm chờ đợi ngày được giải thoát.
Đường sắt qua cầu Sông Sinh (Uông Bí) bỏ hoang nay như chiếc cầu khỉ. |
Trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Giao thông Vận tải, tiếp tục xác định hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân trong giai đoạn đến năm 2030. Trong 5 phương thức vận tải đường dài, phương thức vận tải đường sắt có lợi thứ nhì sau đường thủy.
Dự án đường sắt Quảng Ninh đã đi được một nửa chặng đường bị chững lại, nay rục rịch khởi động tiếp, dư luận nửa mừng nửa lo. Mừng vì Quảng Ninh triển vọng có thêm một thiết chế giao thông đường sắt nối liền Thủ đô Hà Nội; mừng vì 4.300 tỷ đồng ngân sách đã rải xuống đất gần 2 thập kỷ nay lại có thể được sinh lời; mừng vì tháo được cái xích vô hình giam hãm hơn 3.600 hộ dân gần 20 năm nay, mừng vì giải thoát được gánh nặng nợ đọng thâm niên…
Song vấn đề nên hay không nên khởi động lại Dự án xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân còn phải tính toán. Bộ Giao thông Vận tải còn phải trưng cầu ý kiến các Bộ ngành liên quan để trình Chính phủ. Dư luận có băn khoăn, đại công trình đường sắt Quảng Ninh - Hà Nội “bỏ thì thương - vương thì tội”, Thủ tướng Chính phủ sẽ là người “cầm cân nảy mực”, đầu tư vào công trình giao thông nào, công trình ấy phải là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Vũ Phong Cầm
Theo