(Xây dựng) - Xà bần là một trong những loại chất thải xây dựng được tạo ra trong quá trình phá hủy các công trình, đường xá, tòa nhà, cầu cống hay các công trình khác. Loại phế thải xây dựng (PTXD) này có thể tái chế thành các loại vật liệu xây dựng (VLXD) thân thiện với môi trường, tối ưu hóa việc tiết kiệm tài nguyên trong ngành Xây dựng.
Tại các thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… lượng phế thải xây dựng thải ra môi trường là rất lớn. |
Tài nguyên phế thải đang bị lãng phí
Hiện nay, các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… ngày càng phát triển, nhiều công trình và cơ sở hạ tầng được triển khai. Những khu đô thị cũ bị xuống cấp đã và đang được thay thế bằng công trình mới quy mô và hiện đại. Hệ thống giao thông cũng từng bước được cải tạo, nâng cấp và mở rộng. Nhưng đi cùng với sự phát triển là khối lượng phế thải xây dựng (PTXD) rất lớn được thải ra ngoài môi trường. Các đô thị lớn đang phải đối mặt với thực trạng thiếu trầm trọng nơi tập kết, trung chuyển đất thải, PTXD.
Với các loại chất thải rắn phát sinh sau khi đập nhà cũ để xây dựng nhà mới, người dân đang không biết phải xử lý loại phế thải này đúng cách. Nhiều người dân chia sẻ, sau khi phá dỡ nhà, một phần chất thải rắn xây dựng được tận dụng để đắp nền, nhưng không thể tái sử dụng hoàn toàn. Vì vậy, nhiều người đã gọi các xe tải nhỏ đến chở đi. Đối với các loại rác cồng kềnh, người dân phải tự xẻ nhỏ rồi bỏ vào nơi thu gom rác sinh hoạt, hoặc vứt bỏ ở các bãi đất trống, đổ trộm ra môi trường…
Tại các công trình lớn, một số nhà thầu đã thuê đơn vị vận chuyển khối lượng lớn PTXD đem đi đổ bỏ hoặc chôn lấp toàn bộ. Cách làm này không chỉ làm tốn diện tích đất mà còn gây nguy hại cho môi trường và lãng phí một nguồn tài nguyên quý giá có thể sử dụng để tái chế thành VLXD.
Theo Báo cáo môi trường quốc gia về quản lý chất thải rắn do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành năm 2023, tổng lượng chất thải rắn đô thị trên toàn quốc phát sinh trung bình khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó PTXD chiếm khoảng 10% - 12%.
Chỉ riêng tại Hà Nội, số liệu điều tra và khảo sát của trường Đại học Xây dựng Hà Nội trong giai đoạn vừa qua cho biết, mỗi ngày đô thị lớn thứ hai của nước ta phát sinh từ 8.000 - 10.000 tấn chất thải rắn xây dựng.
Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch HĐTV Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, chất thải rắn xây dựng, PTXD đang gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường hiện nay. Chất thải xây dựng phát sinh trong hoạt động xây dựng của cả các cơ quan, tổ chức và người dân. Hoạt động này theo quy định phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đến nơi quy định.
Tuy nhiên, vấn đề này chưa được giải quyết triệt để. Phương pháp xử lý phổ biến nhất hiện nay là chôn PTXD tại những bãi chôn lấp. Đây chỉ là một lượng rất nhỏ, còn phần lớn phế thải vẫn bị đổ bất hợp pháp ra ngoài môi trường.
Trên phạm vi cả nước, đa phần các địa phương đang thiếu các cơ sở xử lý, tái chế PTXD, nếu có cũng chỉ theo hình thức chôn lấp; thiếu cả về quy hoạch đầu tư xây dựng, tiêu chuẩn để tái chế PTXD; chưa chủ động bố trí điểm thu gom rác thải cồng kềnh, cũng như quy hoạch địa điểm tập trung chất thải rắn xây dựng.
Như tại Quảng Ngãi, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị chỉ có chức năng thu gom rác thải sinh hoạt. Đối với chất thải rắn xây dựng, mặc dù đơn vị có đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện chuyên dụng đảm bảo để thu gom, nhưng do hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa quy hoạch điểm xử lý chất thải rắn xây dựng tập trung nên đơn vị chưa thực hiện thu gom loại chất thải này.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc sử dụng phế thải xây dựng làm vật liệu tái chế có thể đem lại nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường. |
Còn tại Bắc Giang, việc quản lý, xử lý chất thải rắn trong lĩnh vực xây dựng còn nhiều hạn chế do thiếu những quy định, hướng dẫn quản lý, xử lý cụ thể. Trên địa bàn tỉnh cũng chưa có các nhà máy, khu xử lý loại chất thải này nên tình trạng chất thải phát sinh trong quá trình xây dựng chưa được xử lý, bị đổ tràn lan diễn ra khá phổ biến, nhất là tại khu vực đô thị.
Bên cạnh những khó khăn trong quản lý, thu gom PTXD, công tác đầu tư, tái chế, sử dụng PTXD hiệu quả cũng còn nhiều bất cập. Ví dụ tại Hà Nội, thành phố đã có chủ trương thúc đẩy tái chế PTXD và đầu tư một số điểm tập kết, nghiền phế thải xây dựng. Nhiều dây chuyền tái chế PTXD được nhập khẩu từ Áo, Đức… Thành phố cũng đã thí điểm dây chuyền nghiền nhỏ PTXD, tái sử dụng làm vật liệu nền móng tại công trường thi công đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.
Nhưng theo đại diện Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội), việc thí điểm và ứng dụng các sản phẩm tái chế phế thải phá dỡ công trình vào thực tế đang gặp một số khó khăn do chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc sử dụng...
Tại Quảng Ninh, các dự án đầu tư công và quá trình xây dựng của người dân trên địa bàn tỉnh đang phát sinh nhiều nguồn PTXD đủ điều kiện làm vật liệu san nền. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn vật liệu san lấp này còn gặp một số vướng mắc, nhất là các thủ tục hành chính còn lúng túng trong phân loại VLXD thông thường, phế thải đủ điều kiện làm vật liệu san lấp trong sử dụng vật liệu theo mô hình kinh tế tuần hoàn với khai thác đất từ các mỏ đất và đổ thải.
Doanh nghiệp chủ động vào cuộc
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc sử dụng PTXD làm vật liệu tái chế có thể đem lại nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường. Ngoài việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, việc tái chế PTXD cũng sẽ giúp tiết kiệm chi phí xử lý phế thải, đồng thời tận dụng phế thải làm VLXD, tiết kiệm nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt.
Để giải quyết những vướng mắc trong công tác tái chế PTXD, một số doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm giải pháp khắc phục, tận dụng PTXD để tái chế; sử dụng những công nghệ mới, máy móc, trang thiết bị “hô biến” tường nhà cũ, phế thải xây dựng thành VLXD lên những công trình mới. Sự chủ động của các doanh nghiệp với những mô hình, công nghệ tái chế mới đã trở thành điểm sáng trong công tác tái chế PTXD.
Hiện nay, Công ty Cổ phần Xử lý chất thải xây dựng và đầu tư phát triển môi trường Hà Nội, Công ty Cổ phần dịch vụ sản xuất Toàn Cầu đang là những đơn vị ứng dụng công nghệ nghiền trong xử lý PTXD trên địa bàn Thủ đô. Công nghệ nghiền được nhập khẩu từ châu Âu, đáp ứng tiêu chuẩn của Việt Nam trong khu vực đô thị. Hệ thống này vừa họat động tại bãi xử lý, vừa di chuyển linh hoạt đến các khu phố, công trình để xử lý tái chế và cung cấp vật liệu tại chỗ cho các công trình. Một trong những công nghệ tiêu biểu là máy nghiền loại RUBBLE MASTER cung cấp bởi hãng sản xuất nổi tiếng của Đức, có thể đưa vào tận chân công trình trong nội đô để phá dỡ và xay nghiền tại chỗ.
Theo ông Đỗ Văn Toan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ sản xuất Toàn Cầu, công nghệ trên cho phép tận dụng 100% chất thải từ VLXD. Các hạt thành phẩm cho nhiều kích cỡ. Hạt to có thể dùng làm cấp phối san nền đường, cát mịn có thể dùng để sản xuất gạch lát vỉa hè, vườn hoa, công viên, đê chắn sóng... thậm chí có thể dùng thay thế cát tự nhiên trong chế tạo bê tông tươi.
Chất thải xây dựng như đất, gạch, bê tông có thể được tái chế, tái sử dụng bằng cách xử lý, quản lý thích hợp và có thể được sử dụng cho các công trường xây dựng thi công san lấp, san nền, bồi đắp, sản xuất các loại gạch không nung, gạch block…
Trong khi đó, Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đã hợp tác với các tổ chức nước ngoài như: Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Công ty Suzuken Kogyo (Nhật Bản) để ứng dụng công nghệ xử lý PTXD.
Với công nghệ này, rác thải xây dựng được phân loại thành các nhóm riêng (nhựa, gỗ, bê tông, đất…), sau đó từng loại rác được xử lý theo quy trình riêng bằng các thiết bị như sàng rung phân loại, hệ thống máy đập, nghiền, công suất lên đến 100 – 150 tấn/giờ.
Còn tại Thừa Thiên - Huế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang tận dụng PTXD để tái sử dụng. Công ty TNHH Một thành viên Long Tường đã tự nghiên cứu, phát triển hệ thống xử lý, tận thu từ rác thải xây dựng với giá thành lắp đặt khoảng 4 tỷ đồng, công suất xử lý đạt đến 300 tấn/ngày. Với 50 khối rác thải xây dựng, Công ty sẽ tận thu được 10 – 12 khối cát, số còn lại là đá và bùn.
Lượng rác thải xây dựng này sau khi vận chuyển về nhà máy sẽ được xay vụn, đưa nước sàng rửa và tách tuyển thành 5 loại sản phẩm như cát xây dựng công trình, đúc gạch không nung, đá… Còn bụi bẩn, xi măng ở bể lắng lọc được xử lý tạo ra bùn trồng cây hoặc vật liệu san nền...
Công nghệ biến rác thải xây dựng trở thành gạch không nung tại Thừa Thiên - Huế. |
Theo khảo sát, các dự án lớn trên địa bàn các tỉnh, thành phố luôn có nhu cầu sử dụng VLXD mới, vật liệu tái chế trong quá trình xây dựng. Do đó, nguồn chất thải rắn xây dựng chính là “tài nguyên quý giá” cần nhanh chóng được ứng dụng các công nghệ mới để tái chế, tái sử dụng. Nhưng để làm được như vậy, các doanh nghiệp rất cần nhận được những cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư tái chế PTXD.
Cần có đòn bẩy từ cơ chế, chính sách
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến công tác quản lý, thu gom và xử lý PTXD khá đầy đủ. Tại Khoản 1 Điều 81 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, chất thải rắn công nghiệp thông thường được phân loại thành 3 nhóm khác nhau, bao gồm: Nhóm được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất; Nhóm đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng; Nhóm phải xử lý.
Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP), chất thải rắn xây dựng được coi là chất thải công nghiệp và được quản lý như chất thải công nghiệp. Việc sử dụng chất thải rắn xây dựng làm nguyên liệu sản xuất VLXD, san lấp mặt bằng và sử dụng trong các công trình xây dựng có thể áp dụng tiêu chuẩn của một trong các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển…
Việc thu gom, tái chế chất thải rắn xây dựng làm nguyên liệu sản xuất VLXD và làm VLXD được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khuyến khích tại Nghị định số 09/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về Quản lý VLXD và Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ Xây dựng quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng đã quy định, hướng dẫn cơ bản về nguyên tắc tái chế, tái sử dụng chất thải rắn xây dựng theo tính chất và đặc điểm, mục đích sử dụng phù hợp nhằm giảm thiểu lượng chất thải rắn xây dựng phải chôn lấp hoặc đổ thải tại các bãi tập kết.
Về tiêu chuẩn, Bộ Xây dựng đã biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố TCVN 11969:2018 về Cốt liệu lớn tái chế cho bê tông (Tiêu chuẩn này áp dụng đối với cốt liệu lớn tái chế từ PTXD được sử dụng cho sản xuất bê tông).
Công nghệ nghiền phế thải xây dựng đang được áp dụng không gây ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm tái chế để làm gạch, lót đường... |
Bộ Xây dựng đồng thời có văn bản đề nghị một số Bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, nhà máy tổng hợp, báo cáo việc xử lý, sử dụng phế thải từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong công trình xây dựng…
Về trình tự thủ tục thực hiện dự án xử lý, tái chế chất thải rắn xây dựng, các đơn vị đang thực hiện theo Luật Đầu tư và các Nghị định hướng dẫn Luật đầu tư, được hưởng ưu đãi theo các quy định về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường, sản xuất VLXD và các ưu đãi khác của địa phương theo quy định hiện hành…
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số vướng mắc phát sinh từ chính sách khi triển khai thu gom, tái chế PTXD. Nhiều đơn vị cho rằng, hiện nay chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về vật liệu san lấp tái chế từ phế thải phá dỡ công trình; quy chuẩn tái chế PTXD, từ phế thải có thể đưa vào sản xuất, sử dụng trong công trình dân dụng. Một số nước phát triển trên thế giới đã ban hành tiêu chuẩn để đưa PTXD vào san nền, làm đường hoặc làm vật liệu. Như vậy, có thể nói việc chưa ban hành các tiêu chuẩn cũng là một trong những nguyên nhân khiến PTXD chưa được quản lý triệt để tại Việt Nam.
Cần có sự vào cuộc của các bên liên quan
Theo ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ tịch HĐQT Công ty Halcom Việt Nam, rác thải có thể chia thành 3 loại chính là rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải xây dựng. Trong đó, rác thải xây dựng chỉ cần quản lý tốt vì loại rác thải này không độc hại, thậm chí còn là nguồn tài nguyên quý nếu được tái chế đúng cách.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, việc tái chế chất thải xây dựng, biến chất thải thành nguyên liệu đầu vào cho công trình xây dựng là cần thiết. Hiện nay, nguồn nguyên vật liệu sử dụng cho công trình đang thiếu hụt, chủ yếu khai thác từ tự nhiên. Chất thải rắn xây dựng, PTXD hoàn toàn có thể trở thành nguồn tài nguyên quý, có tính liên tục, tuần hoàn.
“Đây là nguồn tài nguyên khổng lồ, nếu không quản lý tốt thì có thể ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, chúng tôi đề xuất không chỉ có hoạt động thu gom mà còn phải tái chế PTXD bằng các công nghệ phù hợp, có thương mại hóa. Các doanh nghiệp tham gia tái chế phải thu được lợi nhuận. Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần có chỉ dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ phù hợp”, ông Nguyễn Hoàng Giang nói thêm.
Bên cạnh đó, khi thực hiện tái chế chất thải rắn xây dựng, một trong các yếu tố quan trọng là chính sách quản lý từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó, cần có sự thống nhất trong quản lý và bổ sung yêu cầu khi phá dỡ công trình phải bắt buộc thu gom, tái chế PTXD. Các địa phương cần thông qua cơ chế quản lý riêng để đưa ra quy hoạch với các vị trí thu gom, xây dựng nhà máy tái chế.
Các sản phẩm vật liệu xây dựng được tái chế từ phế thải xây dựng rất được ưa chuộng. |
Mặt khác, cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm cụ thể hóa hướng dẫn để có cơ chế quản lý, có quy định rõ các doanh nghiệp nào được tham gia vào quá trình phá dỡ, tái chế để có sự nhận diện, tránh việc phá dỡ, đổ trộm phế thải, lãng phí nguồn tài nguyên. Gợi mở về hướng tái chế PTXD, ông Nguyễn Hoàng Giang cho biết: Việt Nam đã và và đang phát triển công nghệ tái chế loại vật liệu mới từ PTXD, góp phần giải quyết các vấn đề môi trường, như ngập úng đô thị, bổ sung mức nước ngầm.
Những loại vật liệu mới này được nghiên cứu và phát triển trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Đại học Saitama (Nhật Bản). Dự án hướng tới thiết lập hệ thống quản lý và xây dựng công nghệ thúc đẩy việc tái chế chất thải rắn tại Việt Nam. Với công nghệ này, thay vì vận chuyển ra các bãi tập kết, phế liệu xây dựng sẽ được chuyển sang hệ thống nghiền và tự động phân loại riêng, từ sắt đến các hạt cát mịn.
Chất thải rắn xây dựng sau khi được tái chế có thể ứng dụng trong nhiều trường hợp. Đó là hệ thống sử dụng cho hệ thống đường, làm hệ thống lớp nền đường và móng đường. Ngoài ra, vật liệu này có thể được ứng dụng làm bê tông thấm nước. Nước qua lớp bê tông này sẽ thấm trực tiếp vào lòng đất, làm giảm áp lực lên hệ thống thoát nước của các thành phố, không gây ra ngập lụt đô thị.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam cho rằng, việc tái chế PTXD không khó thực hiện, nhưng cần quyết tâm, tư duy và cách thức tổ chức đúng đắn. Vì vậy, các địa phương cần phải xây dựng được cơ chế, chính sách hợp lý, tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong quản lý, thu gom và tái chế PTXD.
Còn theo Vụ trưởng Vụ VLXD Lê Trung Thành, các địa phương cần sớm phổ biến, nhân rộng các mô hình thí điểm tái chế, tái sử dụng vật liệu để các doanh nghiệp và nhà khoa học cùng tham gia.
Một số chủ đầu tư, nhà thầu còn chưa áp dụng mạnh mẽ vì thiếu và yếu về nguồn nhân lực. Các kỹ sư xây dựng, nhà tư vấn phải tìm hiểu, áp dụng cơ chế, chính sách của Trung ương, địa phương và sản phẩm của các nhà khoa học để đưa vào thực tiễn. Các vật liệu mới, vật liệu tái chế có những tính năng, kỹ thuật mới, chỉ phù hợp với một số khu vực của công trình nên phải có công trình thí điểm, đưa vào từ móng, từ vật liệu xây hay vật liệu bao che, vật liệu mái… Thực tế này đòi hỏi đội ngũ kỹ thuật tư vấn, chủ đầu tư phải cập nhật, nâng cao trình độ, tiếp cận cơ chế, chính sách của địa phương và Trung ương.
Tâm Anh – Mạnh Mai
Theo