(Xây dựng) - Như đã đề cập, hiện nay Việt Nam đã làm chủ công nghệ xử lý tro, xỉ - chất thải của các nhà máy nhiệt điện và xử lý gyps - bã thải thạch cao của các nhà máy hóa chất phân bón thành vật liệu thay thế trong sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) và sử dụng trong công trình xây dựng. Câu hỏi đặt ra là hiệu quả đến đâu?
Tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện đang được được ứng dụng hiệu quả trong sản xuất xi măng. |
Tận dụng hiệu quả tro, xỉ trong sản xuất xi măng
Đại diện Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) cho biết, tro, xỉ các nhà máy nhiệt điện sau xử lý đang được sử dụng rộng rãi trong công trình xây dựng và trong sản xuất VLXD. Đơn cử, tại công trình đập thủy điện Sơn La (dài khoảng 1km, cao 138m, rộng 90m), với giải pháp sử dụng tro bay của Nhiệt điện Phả Lại vào thành phần bê tông đã giúp giảm thời gian thi công đập, góp phần rút ngắn tiến độ chung của nhà máy thủy điện Sơn La khoảng 3 năm. Đặc biệt, việc sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn có thành phần tro bay tại thủy điện Sơn La giúp làm lợi cho Nhà nước khoảng 1,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, tro, xỉ cũng được ứng dụng hiệu quả trong sản xuất xi măng (XM), nhất là trong các nhà máy thuộc Tổng Công ty XM Việt Nam (VICEM). Từ năm 2012, VICEM đã nghiên cứu giải pháp khoa học nhằm sử dụng tro, xỉ nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm XM. Việc này đem lại lợi ích kép, vừa hạ được giá thành sản phẩm, tạo ra thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp XM; vừa mở ra giải pháp xử lý chất thải tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải CO2.
Ông Dương Ngọc Trường, Trưởng Ban An toàn và Môi trường (Tổng Công ty VICEM) cho biết, tổng khối lượng tro, xỉ được sử dụng làm phụ gia cho sản xuất XM của VICEM trong giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 7,7 triệu tấn. Tổng khối lượng tro, xỉ các loại sử dụng cho sản xuất XM tăng lên mỗi năm. Năm 2023, tỷ lệ sử dụng tro, xỉ của VICEM đạt 10,7% (tương đương 2,04 triệu tấn). 9 tháng đầu năm 2024 đạt 10,8 % (tương đương 1,45 triệu tấn).
“Mức tăng này cho thấy sự cải thiện tích cực và ổn định trong việc tích hợp tro, xỉ vào sản xuất, phản ánh cam kết của VICEM trong việc giảm phát thải và thúc đẩy sản xuất xanh theo hướng bền vững”, ông Dương Ngọc Trường nhận định.
Trong các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty VICEM, Công ty Cổ phần XM VICEM Sông Thao là một trong những đơn vị có tỷ lệ sử dụng tro, xỉ trong tổng khối lượng XM cao nhất. Ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Tổng Giám đốc VICEM Sông Thao cho biết, VICEM Sông Thao không ngừng nghiên cứu, tối ưu hoá tỷ lệ pha các loại tro, xỉ vào làm phụ gia sản xuất XM, đảm bảo nâng cao hiệu quả sản xuất mà không ảnh hưởng đến chất lượng XM xuất bán. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2024, tổng khối lượng các loại tro, xỉ sử dụng làm phụ gia là 67,7 tấn, chiếm đến 12,9% trong tổng khối lượng XM.
VICEM đã sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xi măng. |
Không phải là đơn vị thuộc VICEM, nhưng từ lâu nay Công ty Cổ phần XM FiCO Tây Ninh cũng đã theo đuổi phát triển sản phẩm XM xanh, phát thải thấp. Một trong những giải pháp để phát triển XM xanh là đẩy mạnh sử dụng nguyên liệu thay thế từ tro bay, xỉ nghiền. Ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần XM FiCO Tây Ninh cho biết, năm 2023, FiCO Tây Ninh sử dụng 246,4 tấn tro bay, xỉ nghiền. Con số này trong năm 2024 dự kiến khoảng 258,9 tấn…
Ông Hoàng Hữu Tân, Phó Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) cho biết, mục tiêu hướng đến của ngành XM Việt Nam trong việc sử dụng tro bay, chất thải công nghiệp làm phụ gia và nguyên liệu thay thế đạt tối thiểu 20% vào năm 2025; đạt 30% vào năm 2030; đạt trên 30% trong giai đoạn 2031 – 2050. Trong giai đoạn 2031 – 20250, tối thiểu 60% số dây chuyền sử dụng tro bay, chất thải làm nguyên liệu thay thế…
Ứng dụng hiệu quả trong sản xuất gạch không nung và các VLXD xanh khác
Ngoài ngành XM, tro xỉ, tro bay đồng thời được ứng dụng rộng rãi làm phối liệu trong sản xuất VLXD khác, nhất là vật liệu xây không nung, thay thế một phần cho các nguyên liệu khác như đá, cát, XM...
Từ nhiều năm trước, kết quả nghiên cứu của Viện VLXD (Bộ Xây dựng) trong việc sử dụng tro, xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn (Thái Nguyên) cho thấy, tro bay có thể thay thế tới 40% XM; xỉ đáy lò có thể thay thế 100% cát tự nhiên. Giá thành sản xuất gạch không nung giảm 16% - 21% so với gạch cùng loại khi sử dụng đá mạt và cát làm phối liệu.
Tương tự, nghiên cứu thực nghiệm sản xuất gạch không nung từ tro, xỉ và tro bay tại Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn của các giảng viên trường Đại học Hồng Đức cũng cho thấy, về cơ bản, việc sử dụng tro bay hoặc kết hợp tro, xỉ vừa đảm bảo các thông số kỹ thuật của gạch theo TCVN 6477-2011, vừa có chi phí sản xuất thấp, góp phần bảo vệ môi trường. Hơn nữa, gạch không nung tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất, giảm phát thải, giảm chất thải ra môi trường…
Viglacera đã ứng dụng tro bay trong sản xuất gạch bê tông khí chưng áp AAC và tấm tường ALC. |
Chia sẻ về việc ứng dụng tro bay trong sản xuất gạch bê tông khí chưng áp AAC và tấm tường ALC, ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty Cổ phần Bê tông khí Viglacera cho biết, nguồn nguyên liệu đầu vào của sản phẩm chủ yếu là tro bay, cát và thạch cao. Quá trình sản xuất là rung ép, không nung, giảm tiêu tốn nhiên liệu, không phát sinh khí thải, nước thải, chất thải rắn… nên sản phẩm rất thân thiện với môi trường.
Kể từ khi sản xuất thành công gạch không nung AAC (năm 2010), Viglacera dừng hoàn toàn việc sản xuất gạch nung vốn sử dụng nhiều tài nguyên đất sét. “Với việc tiên phong sản xuất gạch không nung, Viglacera muốn góp phần giảm việc khai thác tài nguyên đất nông nghiệp, thay đổi thói quen sử dụng VLXD của người dân và làm cho môi trường sống ngày càng xanh hơn”, ông Nguyễn Hồng Phong nói.
Tương tự, trong sản xuất gạch XM cốt liệu (một loại vật liệu xây không nung khác), Công ty Cổ phần Gạch Khang Minh cũng tập trung nghiên cứu, sáng tạo, sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện trong phối trộn nguyên vật liệu.
Ông Đặng Việt Lê, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Gạch Khang Minh cho biết, tro bay có kích thước cỡ hạt rất nhỏ, đều, mịn, dễ điền đầy các khe rỗng trong cốt liệu sản phẩm, khiến cho sản phẩm có khả năng chống thấm rất tốt. Vì vậy, Gạch Khang Minh đã sử dụng tro bay trong sản xuất gạch XM cốt liệu, biến phụ phẩm của ngành Nhiệt điện thành nguyên liệu sản xuất VLXD xanh, góp phần bảo vệ môi trường.
Sản phẩm gạch không nung của Nhà máy sản xuất VLXD Trần Châu cũng được ghi nhận là sử dụng 17% - 20% chất phụ gia là tro bay, tro, xỉ của nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 làm phối liệu…
Theo Bộ Xây dựng, đến nay cả nước có khoảng 1.200 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung với tổng công suất khoảng 4,9 tỷ viên quy tiêu chuẩn, chiếm gần 40% tổng công suất vật liệu xây. Gạch không nung đã được ứng dụng và sản xuất rộng rãi trong ngành Xây dựng, góp phần không nhỏ giúp bảo vệ môi trường do quá trình sản xuất gạch không nung tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và nhất là tiết kiệm được tài nguyên đất sét…
Tro, xỉ cũng được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất gạch không nung. |
Ngoài ra, tro, xỉ nhiệt điện còn được ứng dụng trong sản xuất VLXD xanh khác như vữa trộn sẵn, làm vật liệu san lấp… Chính vì vậy, việc xử lý và tiêu thụ tro, xỉ trên thực tế khá thuận lợi.
Theo tổng hợp của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 31 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động. Trong năm 2023, tổng lượng tro, xỉ phát thải từ các nhà máy này khoảng 18,07 triệu tấn. Tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện được tiêu thụ khoảng 18,01 triệu tấn. Như vậy, lượng tro, xỉ nhà máy nhiệt điện phát sinh hàng năm gần như đã được xử lý và tiêu thụ hoàn toàn. Trong đó, các Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, Thái Bình, Nghi Sơn 2, Formosa Đồng Nai tiêu thụ 100% lượng tro xỉ thải ra trong năm. Các Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cao Ngạn, Sơn Động, Thăng Long, BOT Hải Dương, Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2… thậm chí còn tiêu thụ được cả phần tro, xỉ tồn trữ lâu nay tại bãi chứa.
Tính lũy kế đến cuối năm 2023, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ qua các năm lên đến khoảng 83 triệu tấn, chiếm khoảng 66,2% tổng phát thải từ trước đến nay, tăng hơn 10,4% so với thời điểm cuối năm 2022. Tuy nhiên, khối lượng tro, xỉ còn lưu lại tại các bãi chứa nhà máy nhiệt điện vẫn còn khoảng… 46,4 triệu tấn.
Sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế cho thạch cao tự nhiên trong sản xuất xi măng
Nếu tro, xỉ được ứng dụng khá rộng rãi trong sản xuất VLXD và sử dụng trong công trình xây dựng thì thạch cao nhân tạo (PG) được sản xuất từ bã gyps của nhà máy hóa chất, phân bón thì chủ yếu được sử dụng trong sản xuất XM.
Công ty Cổ phần XM VICEM Sông Thao là một đơn vị đầu tiên sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế cho thạch cao tự nhiên nhập khẩu trong sản xuất XM. Trong giai đoạn từ tháng 7/2017 đến tháng 8/2019, VICEM Sông Thao đã nghiên cứu ứng dụng thạch cao nhân tạo Đình Vũ thay thế một phần, rồi thay thế hoàn toàn thạch cao tự nhiên trong sản xuất XM. Tất cả các lần thử nghiệm đều cho kết quả: Sản phẩm XM có chất lượng tốt, ổn định, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng và kỹ thuật theo tiêu chuẩn và quy chuẩn hành, tương đương như sử dụng thạch cao tự nhiên, trong khi chi phí cho việc cải tiến công nghệ không lớn.
VICEM Sông Thao là đơn vị sử dụng tro xỉ với tỷ lệ cao nhất và dùng 100% thạch cao nhân tạo trong sản xuất XM. |
Trên cơ sở kết quả thử nghiệm, từ tháng 3/2020 đến nay, VICEM Sông Thao tiến hành sản xuất đại trà pha 100% thạch cao nhân tạo từ bã gyps của Nhà máy DAP Đức Giang vào quá trình sản xuất XM. Sản phẩm của VICEM Sông Thao bảo đảm chất lượng, không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, được khách hàng ưa chuộng và tin tưởng sử dụng.
Ông Tổng Giám đốc VICEM Sông Thao nhận định: Việc sử dụng 100% thạch cao nhân tạo sản xuất trong nước thay thế thạch cao tự nhiên nhập ngoại mang lại nhiều lợi ích, vừa giúp cho Công ty chủ động hơn được nguồn nguyên liệu đầu vào, nhất là trong bối cảnh thạch cao tự nhiên nhập ngoại có giá cả ngày càng leo thang; vừa đem lại hiệu quả kinh tế lớn, tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm và nhất là góp phần bảo vệ môi trường.
Sau VICEM Sông Thao, một số nhà máy XM khác cũng học tập mô hình và sử dụng 100% thạch cao nhân tạo thay thế cho thạch cao tự nhiên trong sản xuất XM như: Hoàng Long, Long Sơn…
Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty VICEM Đinh Quang Dũng cho biết, trước đây ngành XM Việt Nam hoàn toàn sử dụng thạch cao tự nhiên nhập khẩu từ Lào, Thái Lan và Trung Quốc (do Việt Nam không có mỏ thạch cao). Riêng khối lượng thạch cao tự nhiên VICEM sử dụng khoảng 420.000 tấn/năm. Việc chuyển đổi sang sử dụng thạch cao nhân tạo - một phế phẩm của các ngành công nghiệp khác - đã mở ra cơ hội lớn giúp giảm chi phí sản xuất và tăng cường tính chủ động về nguồn cung.
Đến nay, tỷ lệ sử dụng thạch cao nhân tạo trong toàn Tổng Công ty VICEM bình quân đạt khoảng 42%. Sản lượng thạch cao nhân tạo VICEM sử dụng tăng mạnh sau mỗi năm, từ 147.243 tấn vào năm 2022 lên 301.826 tấn trong năm 2023. “Sự chuyển đổi này không chỉ tận dụng hiệu quả phụ phẩm công nghiệp mà còn khẳng định vai trò tiên phong của VICEM trong việc thúc đẩy sản xuất thân thiện với môi trường”, ông Đinh Quang Dũng nhận định.
Theo số liệu cập nhật từ Bộ Công Thương và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, trong năm 2023, lượng phát thải thạch cao PG khoảng 1,4 triệu tấn; lượng thạch cao PG tiêu thụ có chiều hướng tăng hơn so với năm 2022, với tổng lượng tiêu thụ chiếm 51% tổng lượng thải.
Cũng trong năm 2023, sản phẩm thạch cao PG của Công ty Thạch cao Đình Vũ đã được hơn 30 nhà máy XM sử dụng. Nhà máy DAP 1 tiêu thụ hơn 577.000 tấn bã thạch cao (tức tiêu thụ hết lượng thải ra trong năm và 1 phần đang tồn đọng trên bãi chứa, tương đương với 158% lượng thải năm 2023); Nhà máy DAP Đức Giang – Lào Cai tiêu thụ khoảng 141.640 tấn. Tuy nhiên, bã thải gyps thạch cao của nhà máy DAP số 2 Lào Cai vẫn chưa tiêu thụ được, phải tích trữ toàn bộ tại bãi chứa.
Nói cách khác, lượng xử lý và tiêu thụ bã thải gyps vẫn chưa được như kỳ vọng. Theo số liệu cập nhật từ Bộ Công Thương, lượng tồn trữ bã thải thạch cao đến cuối năm 2023 khoảng hơn 11 triệu tấn. Trong đó, nhà máy DAP Đình Vũ tại Hải Phòng tồn trữ 3,58 triệu tấn; Nhà máy DAP số 2 tại Lào Cai tồn trữ 3,3 triệu tấn; Nhà máy DAP Đức Giang tại Lào Cai tồn trữ khoảng 4,3 triệu tấn. Chính vì vậy việc đẩy mạnh xử lý, tiêu thụ bã thải gyps đang là vấn đề cấp bách.
Giải pháp tăng cường sử dụng tro, xỉ, thạch cao trong sản xuất VLXD và công trình xây dựng
Lý giải về tình trạng tồn đọng tro, xỉ, thạch cao nói trên, Bộ Xây dựng cho rằng, đối với tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện, một số bãi chứa như bãi chứa của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2; Nhiệt điện Duyên Hải… nằm cách xa nơi tiêu thụ (là các nhà máy sản xuất XM và nhà máy sản xuất VLXD, xa các công trình xây dựng lớn) nên chi phí vận chuyển cao.
Một số lý do khác là việc sử dụng tro xỉ, thạch cao chưa hấp dẫn về kinh tế - kỹ thuật nên khó tiêu thụ. Hay như trường hợp của Nhiệt điện Mông Dương 2, phát thải nhiều nhưng nhu cầu tiêu thụ chậm dẫn tới tồn đọng lớn. Một số nhà máy khác như nhiệt điện Cẩm Phả, Đông Triều đang vướng mắc trong vấn đề xây dựng giá bán tro, xỉ. Cá biệt có trường hợp của nhà máy nhiệt điện Nông Sơn, tro, xỉ của không đủ điều kiện làm VLXD do có chứa thành phần phóng xạ vượt quá mức cho phép.
Ngoài ra còn có lý do năng lực của một số đơn vị tham gia xử lý tro, xỉ, thạch cao còn hạn chế nên không thực hiện được mục tiêu như đã cam kết.
Đối với thạch cao nhân tạo, ngoài các nhà máy XM Sông Thao, Hoàng Long, Long Sơn đã sử dụng đến 100% thì phần lớn các nhà máy XM còn lại mới chỉ sử dụng với tỷ lệ thấp, dẫn tới việc chưa tiêu thụ kịp lượng thạch cao PG tồn đọng tại bãi chứa.
Hơn nữa, các nghiên cứu về ứng dụng của thạch cao PG làm vật liệu san lấp và làm móng, nền đường giao thông... vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá, chưa triển khai diện rộng, nên lượng tiêu thụ còn hạn chế.
Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc sử dụng tro, xỉ đắp nền đường giao thông. |
Nhằm thúc đẩy việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao trong sản xuất VLXD và sử dụng trong công trình, tại Báo cáo thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/03/2021 về việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong công trình xây dựng, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường có báo cáo cụ thể về các kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình triển khai các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 08/CT-TTg.
Bộ Xây dựng đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc sử dụng tro, xỉ đắp nền đường giao thông. Bởi theo TCVN 12660:2019, tro, xỉ nhiệt điện chỉ được đắp nền đường ở chiều sâu 80cm đến l00cm kể từ đáy kết cấu áo đường trở xuống, những khu vực nước ngầm bên dưới thì không được sử dụng tro, xỉ để đắp nền đường.
Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính quy định hạch toán đối với hàng hóa là tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất và phân bón để phù hợp với các quy định hiện hành; Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính và UBND các địa phương nghiên cứu ban hành các cơ chế đặc thù hỗ trợ về cước vận chuyển đối với các công trình xây dựng nằm ở xa nguồn cung cấp để khuyến khích tăng cường sử dụng tro, xỉ; Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các chủ cơ sở phát thải DAP đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc xử lý, tiêu thụ lượng bã thạch cao tồn trữ và đang phát sinh thêm.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các nhà máy nhiệt điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV), Nhiệt điện Mông Dương II nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (là các dự án đầu tư theo hình thức BOT)… cần tiếp tục đưa ra các chính sách khuyến khích để thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao tiếp cận nguồn phát thải.
Các nhà máy phát thải phải tiếp tục tìm kiếm đối tác phù hợp để tăng tốc độ tiêu thụ, giảm lượng tồn đọng tro bay tối đa, đảm bảo lượng tồn trữ tại các bãi chứa của mỗi nhà máy không vượt quá tổng lượng thải của 2 năm sản xuất trung bình.
Mới đây hơn, tại Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với các Bộ, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra vào tháng 7/2024, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị một lần nữa đề cập đến các kiến nghị nói trên.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp xây dựng ban hành, chuyển Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành 2 TCVN liên quan đến vật liệu san lắp và nền đường ôtô (gồm TCVN 12249:2018 Tro, xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu xây lắp - Yêu cầu chung và TCVN 12660:2019 Tro, xỉ nhiệt điện đốt than làm nền đường ôtô - Yêu cầu kỹ thuật, thi công và nghiệm thu); 1 chỉ dẫn kỹ thuật (hướng dẫn sử dụng tro, xỉ nhiệt điện đốt than san lắp) và 2 định mức kinh tế kỹ thuật (định mức công tác làm nền đường và san nền tạo mặt bằng; định mức công tác vận chuyển tro, xỉ).
Bộ trưởng ghi nhận, hiện chưa có nước nào trên thế giới sử dụng tro, xỉ nhiệt điện làm vật liệu đắp nền đường cao tốc, mặc dù đã có một số nghiên cứu về tro, xỉ nhiệt điện để áp dụng cho xây dựng nền đường bộ tải trọng nhẹ. Một số nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản đã có tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về việc sử dụng tro, xỉ trong xây dựng nền đường. Như vậy, việc sử dụng tro, xỉ nhiệt điện thay thế vật liệu đất đắp trong xây dựng đường cao tốc cần được nghiên cứu, đánh giá thêm. Tuy nhiên, “trước mắt, tro, xỉ nhiệt điện có thể được sử dụng trong thi công các cấu kiện bê tông, cầu bê tông, đường cao tốc bằng cầu cạn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất.
Nếu các giải pháp này được hiện thực hóa thì chắc chắn việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm vật liệu thay thế tài nguyên trong sản xuất VLXD, trong công trình xây dựng sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
Bài 3: Tận dụng nhiệt thừa và rác thải trong sản xuất xi măng
Tâm Anh – Mạnh Mai
Theo