Chủ nhật 10/11/2024 14:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Đồng hành với thầy cô bám các điểm trường vùng cao

Bài 2: “Nỗi niềm” của người đi gieo con chữ

12:36 | 27/05/2024

(Xây dựng) – Trong chúng ta, không ít người đã từng rớt nước mắt khi bắt gặp những hình ảnh các em học sinh miền núi ăn mặc mong manh trong mùa đông lạnh cóng, về hành trình chèo đèo lội suối cắp sách tới trường chân còn lấm lem bùn đất, về những bữa trưa ăn vội chỉ có chút rau xanh…thì với các cô thầy miền núi, họ không chỉ chứng kiến những điều đó hàng ngày, mà còn trực tiếp đồng hành giúp các em đến lớp đầy đủ sĩ số. Đó là một hành trình thử thách lòng can đảm, sự kiên nhẫn và tình yêu thương của các thầy cô, để cho một ngày không xa, nhờ được đến trường, học cái chữ mà các em sẽ phát triển thành tài, trở về xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp và xóa cái nghèo mãi đeo đẳng trong gia đình mình.

Bài 2: “Nỗi niềm” của người đi gieo con chữ
Đoàn công tác tặng quà cho các em học sinh điểm trường Tiểu học Phiêng Chầu 2.

Vì con vui bước tới trường, nên khó khăn với cô thầy chỉ là thử thách!

Dưới tán cây xanh mát ở góc sân trường, một dãy bàn nhỏ xinh được kê ngay ngắn đã bày sẵn trà nước, các cô giáo điểm trường Tiểu học Phiêng Chầu 2 (thuộc xóm Phiêng Chầu, xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) tiếp chúng tôi bằng những câu chuyện dạy học và sinh hoạt đời thường rất chân thành, mộc mạc.

Bài 2: “Nỗi niềm” của người đi gieo con chữ
Buổi tiếp đón thân tình của các cô trường Phiêng Chầu 2 với Đoàn công tác trên sân trường.

Trong dòng cảm xúc đó, cô giáo Lâm Thị Nhung (52 tuổi) chia sẻ: Cô quê gốc ở Thái Nguyên, nhưng cô đã sớm lập gia đình ở địa phương khi đến công tác. Tính đến nay, cô đã có 29 năm cống hiến với trường và chưa từng có ý định chuyển đi nơi khác. Bởi cô thấy niềm say mê học chữ của các con rất lớn. Dù gia đình còn nhiều khó khăn, đi học vất vả, ngôn ngữ thì bất đồng, phát âm chưa chuẩn nhưng các em rất thích đến trường. Cứ nghĩ đến nhiều bố mẹ các em và người dân ở đây, họ khao khát hiểu biết nhưng không biết bắt đầu từ đâu vì cái nương, cái rẫy đã là thứ vĩ đại nhất họ tiếp xúc qua bao đời, bao kiếp; rồi quan sát hành trình đi học của các con từ sáng sớm tinh mơ, cô lại thấy một tình thương lớn lại trào dâng.

Bài 2: “Nỗi niềm” của người đi gieo con chữ
Cô giáo Lâm Thị Nhung (áo kẻ đen ngồi giữa) và cô Đặng Ngọc Ly (áo trắng bên cạnh) trò chuyện cùng Đoàn công tác.

Một điều nữa mà cô Nhung rất tự hào khi dạy học ở đây, chính là tình chị em ở cơ quan đoàn kết, đùm bọc nhau, cùng chia sẻ khó khăn trong công việc và cuộc sống. Cô nói: Vì phần lớn từ nơi xa đến công tác, ngoài công việc giảng dạy hàng ngày, thì chúng mình ưa chọn lối sống mộc mạc như núi rừng và người dân nơi đây thôi. Xung quanh trường có khung cảnh thiên nhiên tươi mát trong lành rất dễ thở; tuy không rộn ràng như thành phố, nhưng ở vùng núi cũng có nhiều điều khác rất thú vị và hấp dẫn như lội suối, trồng cây, lên rừng lượm hoa quả…để các cô thư giãn sau những giờ làm việc. Khi vật chất thiếu thốn thì tình thương lại trở thành món quà quý giá nhất mà chị em giáo viên có thể dành tặng cho nhau.

Bài 2: “Nỗi niềm” của người đi gieo con chữ
Điểm trường Tiểu học Phiêng Chầu 2.

Nghe đến đây tôi bỗng cảm thấy, từ mong muốn đến trường dạy các em biết đọc, biết viết, phổ cập giáo dục thì tình thương của các cô đã được mở rộng hơn khi chứng kiến các con “lếch thếch” những buổi tới trường; thương cha mẹ các em đang làm việc hàng ngày trên từng con rẫy cheo leo; thương đàn em nhỏ của các con khát sữa chờ mẹ về; thương cái bản nghèo; thương từng cành cây, ngọn núi tĩnh lặng xa xa…Vì tình thương lớn ấy, các cô thầy mới đủ sức vượt qua thiếu thốn đủ bề về cơ sở vật chất của cá nhân, để có thể vui với sự nghiệp dạy học của mình.

Bài 2: “Nỗi niềm” của người đi gieo con chữ
Cô giáo trẻ Diều Thị Tuyết Mai muốn truyền lửa giúp các con dám bước qua những rào cản quan niệm tập tục cũ, để được đến trường học tập mở mang kiến thức.

Trên sân trường, tôi bước tới gặp cô giáo trẻ Diều Thị Tuyết Mai (24 tuổi) khi thấy cô đứng chơi với các con. Cô Mai có nụ cười rất tươi, ánh mắt tràn đầy nghị lực. Cô giáo Mai là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Sau khi học xong sư phạm đã mong muốn trở về quê hương gắn bó với sự nghiệp trồng người. Với ước mong “truyền lửa” giúp các em học sinh quê hương mình dám bước qua những rào cản quan niệm tập tục cũ, để được đến trường học tập mở mang kiến thức, học những điều hay lẽ phải, kết nối với thế giới bên ngoài…

Vạn sự khởi đầu từ một bước chân, cô Mai cũng đã có hành trình vạn dặm bước qua bao nhiêu cái sợ hãi của bản thân, sự thiếu thốn khổ cực của gia đình để biến mơ ước thành hiện thực. Cho đến hôm nay, cô đã trở về quê hương làm việc, có gia đình với những đứa con xinh xắn và đang đứng trên bục giảng chia sẻ kiến thức cho các em học sinh.

Bài 2: “Nỗi niềm” của người đi gieo con chữ
Một tiết dạy học của cô giáo Mai với các em học sinh.

Thực tế hiện nay, do xuất phát điểm thấp nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là địa bàn khó khăn nhất trên nhiều lĩnh vực, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất, giảm nghèo thiếu bền vững... Đối với giáo dục, tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông viết thạo tiếng phổ thông còn cao…Vì vậy, những cô giáo là người đồng bào dân tộc thiểu số như cô Mai sau khi học xong, trở về quê hương làm việc là một sự đáng quý vô cùng. Các thầy cô ấy đã đang và sẽ tiếp tục tô thêm bức tranh tươi đẹp ở vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với lĩnh vực công tác dân tộc nói chung, giáo dục đào tạo nói riêng.

Bài 2: “Nỗi niềm” của người đi gieo con chữ
Cô giáo Điệp – Hiệu trưởng trường Tiểu học Đình Phùng dẫn chúng tôi thăm quan dãy nhà công vụ trong khuôn viên điểm trường Phiêng Chầu 2.

Trong các câu chuyện kể của các cô giáo điểm trường Phiêng Chầu 2, chúng tôi ít nghe nói về những khó khăn trong quá trình giảng dạy. Điều tôi thấy đọng lại nhiều hơn đó là những động lực, niềm tin nào giúp các thầy cô tận tâm, cống hiến với nghề. Thầy cô đã xác định rằng, tất cả các khó khăn trong khi dạy học, thiếu thốn trong sinh hoạt đời thường hiện nay chỉ là thử thách. Với những gì đã cống hiến trọn vẹn, các cô mong muốn mai sau học trò của mình sẽ biết đọc, biết viết, học giỏi và tìm hiểu được nhiều hơn cuộc sống rộng lớn ngoài kia.

Mong những đêm mưa bão không phải ôm đồ lên lớp trú ẩn

Tạm chia tay các cô cho kịp giờ vào lớp, cô giáo Nguyễn Thúy Điệp - Hiệu trưởng trường Tiểu học Đình Phùng dẫn chúng tôi thăm quan dãy nhà công vụ trong khuôn viên điểm trường. Cũng giống như các nhà công vụ khác mà Đoàn công tác đi khảo sát, dãy nhà ở của các cô nơi đây có 3 phòng chính, 1 phòng ở tạm để cô thầy ở địa phương nghỉ trưa và 1 gian bếp nấu chung được làm bằng gỗ, lợp mái pro xi măng.

Do không có đủ phòng nên 2 cô giáo sẽ ghép chung với nhau trong diện tích chừng 10m2, với những vật dụng sinh hoạt tối thiểu, thiết yếu. Vách ngăn cho mỗi phòng là tấm gỗ mỏng manh được các cô khéo léo dán thêm một lớp tấm bìa carton hoặc giấy báo. Căn bếp nấu chung làm bằng vách nứa, chẳng đủ che chắn một cơn gió nhẹ lùa qua. Mỗi lần có mưa bão to thì không thể nấu cơm trong căn bếp ấy được vì vừa mưa hắt, vừa gió lùa.

Bài 2: “Nỗi niềm” của người đi gieo con chữ
Cô Đàm Thị Duyệt đang trò chuyện cùng phóng viên Báo điện tử Xây dựng.

Đi qua căn phòng nhỏ của cô Đàm Thị Duyệt, chúng tôi được cô mời vào ghé thăm. Đó là căn phòng được bày biện khá đơn giản với 1 chiếc giường cũ, một cái bàn nhỏ để làm việc và ít đồ dùng cá nhân. Không có tủ quần áo, nên các cô phải thiết kế một đoạn tre để treo đồ.

Cô Duyệt quê ở Hòa An (Cao Bằng), năm nay cô đã 49 tuổi, công tác ở trường được 27 năm. Hiện gia đình, chồng con vẫn ở ngoài quê, chỉ có cô đi về thường xuyên vào mỗi cuối tuần. Cô Duyệt tâm sự: Nếu nhìn cơ ngơi giảng dạy và chỗ ở hiện nay, thì đã khá hơn so với ngày xưa rất nhiều. Trước đây, đường xá đi lại rất khó khăn, các thầy cô phải đi bộ, lội suối cả ngày mới vận động được các em đến trường, thì nay đã có đường bê tông về đến tận xã; các em được hưởng chế độ Nhà nước nên đi học đều. Lên lớp có đủ học sinh để dạy, các con được biết chữ, biết kiến thức…là một hạnh phúc lớn đối với những giáo viên miền núi như các cô rồi.

Bài 2: “Nỗi niềm” của người đi gieo con chữ
Cô Duyệt chuẩn bị giáo án trong ngày nghỉ cuối tuần trong căn phòng của mình.

Còn về nơi ở, cô Duyệt cho biết, so với nhà tranh vách nứa của những ngày trước thì bây giờ chúng tôi được ở nhà gỗ lợp mái pro xi măng như thế này đã tốt lắm rồi. Vào mùa đông mà gặp thời tiết lạnh thì sinh hoạt khó khăn, bất tiện một chút. Vấn đề bất an lớn nhất khi ở đây là mưa bão. Nếu xảy ra lốc lớn sẽ có nguy cơ tốc mái, sạt lở đất, đe dọa đến sự an toàn của mọi người. Mà ở vùng miền núi, mưa bão thường gây nhiều thiệt hại cho hoa màu, tài sản của người dân. Do đó, có một căn nhà xây kiên cố sẽ giúp chúng tôi an tâm hơn.

Bài 2: “Nỗi niềm” của người đi gieo con chữ
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng trải nghiệm gian bếp nấu ăn chung của các cô giáo.

Ở chung phòng với cô Duyệt là cô giáo trẻ Đặng Ngọc Ly quê ở Hà Quảng. Cô đã lập gia đình, nhưng con nhỏ để ở quê cho ông bà chăm sóc vì ở trường không có nhà ở riêng để đưa người nhà đến chăm con khi lên lớp. Dù cách trường 2,5 giờ lái xe máy, nhưng cô cũng luôn tranh thủ về quê với con khi có dịp.

Thương con mình xa mẹ, nhưng cô cũng thương các em học sinh ở đây thiệt thòi hơn các bạn đồng trang lứa. Nhiều bố mẹ các con còn chưa biết chữ, khi mới đến trường còn chưa hiểu hết tiếng nói của thầy cô. Thấy vậy, cô giáo Đặng Ngọc Ly cũng tự nhủ lòng vượt qua khó khăn của riêng mình, bám trường, bám bản vì một tương lai lớn cho các học sinh đồng bào dân tộc thiểu số được học hành, được hiểu biết như các bạn khắp nơi trên cả nước.

Bài 2: “Nỗi niềm” của người đi gieo con chữ
Căn phòng tạm cho giáo viên sống gần địa phương ở tạm buổi trưa.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi được tiếp nối với cô giáo trẻ Nguyễn Thị Diệu Ly (sinh năm 2000). Cô là người từ thành phố Cao Bằng mới về đây dạy học. Cô Diệu Ly chia sẻ: Hiện nay, điểm trường Phiêng Chầu 2 đã có đầy đủ điện, nước. Tuy nhiên, mạng internet ở khu vực này rất yếu, nhiều nhất chỉ có 2 vạch sóng nên ảnh hưởng đến công tác giảng dạy và thông tin liên lạc.

Quê cô cách trường hơn 100km, lại không có xe khách chạy qua, nên xe máy là phương tiện để các cô thầy di chuyển hợp lý nhất khi đi dạy. Vì ở xa nên các cô được sắp xếp ở chung trong nhà công vụ của trường. Tuy nhiên, khi biết nơi ở của mình, bố mẹ cô không khỏi lo lắng khi nơi sinh sống, làm việc trong điều kiện quá khó khăn, thiếu thốn từ phòng ở chính cho đến các hạng mục phụ trợ khác như nhà tắm, nhà vệ sinh…Những căn nhà gỗ cũ kỹ thì không đủ chăn ấm, mưa to, gió lạnh nhất là trên miền núi, mùa đông rất khắc nghiệt.

“Do nhà ở công vụ giáo viên được xây dựng bằng gỗ không kiên cố như nhà xây, lại nằm dưới chân một ngọn núi, nên mỗi khi có mưa bão dễ xảy ra tốc mái, gió lùa mạnh…khiến các cô không dám ngủ. Nếu như mưa bão quá to, các thầy cô sẽ phải ôm chăn gối chạy qua lớp học để trú ẩn” – cô Ly chia sẻ.

Bài 2: “Nỗi niềm” của người đi gieo con chữ
Đoàn công tác trò chuyện cùng cô giáo trẻ Nguyễn Thị Diệu Ly.

Chia tay các thầy cô ra về, hình ảnh ngôi nhà gỗ liêu xiêu bên sân trường; những căn phòng ở nhỏ bé xuống cấp bởi mối mọt được che chắn bằng những tờ bìa carton hoặc giấy báo, đôi khi còn không dám thở mạnh để đảm bảo riêng tư cho các phòng bên; cái bếp nấu che chắn bằng vách nứa, những công trình phụ trợ sinh hoạt tối thiểu như nhà tắm, nhà vệ sinh vô cùng sập xệ…của những người “đi gieo con chữ” mãi lẩn khuất trong suy nghĩ của các thành viên Đoàn công tác.

Bài 2: “Nỗi niềm” của người đi gieo con chữ
Căn phòng nhỏ, xuống cấp đã quá quen thuộc với nhiều điểm trường miền núi.

Hình ảnh tuổi thơ thiếu thốn mấy chục năm về trước của tôi lại được khơi dậy, khiến tim mình thắt nghẹn. Ngày ấy, cả nước đều khó khăn chung, vùng nông thôn thiếu thốn đủ mọi bề, cái nghèo lẩn khuất nhưng đồng đều khắp nơi, chẳng ai hơn ai. Nhưng đến bây giờ, khi cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhất là với những cô giáo trẻ sinh năm 2000 ở thành phố còn được tiếp cận với rất nhiều kiến thức mới, cuộc sống vật chất đủ đầy…Vậy mà khi đi dạy học ở miền núi cao, cái thiếu thốn thời xưa cũ tưởng chỉ có trong sách vở, lại hiện hữu ngay trong chính căn phòng sinh hoạt của các thầy cô bây giờ.

Bài 2: “Nỗi niềm” của người đi gieo con chữ
Bài 2: “Nỗi niềm” của người đi gieo con chữ
Hình ảnh khá giống nhau trong nhà công vụ giáo viên tại một số điểm trường huyện Bảo Lâm – Bảo Lạc.

Khó khăn lớn nhất đối với cán bộ, giáo viên đang công tác lâu năm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là làm sao bảo đảm để ổn định đời sống, mà cụ thể là đất ở, nhà ở để cán bộ, giáo viên có thể ổn định lâu dài gắn với trường với lớp. Vì thế, việc được bố trí quỹ đất xây dựng nhà công vụ, quan tâm đến đời sống vật chất, chăm sóc đời sống văn hóa, tinh thần…là việc cần được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp tập trung quan tâm trước tiên. Có như thế mới đủ sức thu hút nguồn nhân lực dạy và học, phát triển giáo dục miền núi tiến kịp miền xuôi.

Bài 3: Cần lắm những giải pháp căn cơ

Ngọc Hà (ảnh: Đài Trang)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load