(Xây dựng) – Như thông tin đã đưa ở bài viết trước, nhiều bất cập trong việc xây dựng nhà ở cho công nhân, thậm chí không thể triển khai dự án.
Khu nhà lưu trú công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung 2 đã phát huy hiệu quả trong lần bùng phát dịch lần thứ 4. |
An toàn từ khu lưu trú công nhân
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 13 triệu người và trong đó có gần 3 triệu người nhập cư. Trong số này có khoảng 1,9 triệu người đang thuê trọ với khoảng 60% tại các phòng trọ do dân tự xây dựng có diện tích chật hẹp. Số người nhập cư tới Thành phố mong muốn có công ăn việc và chỗ ở an toàn ổn định.
Người lao động không có nhà ở tại Thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề bức xúc rất lớn đối với công nhân, đặc biệt khi dịch bệnh xảy ra. Do vậy, vừa qua lãnh đạo Thành phố đã đưa ra định hướng xây dựng 1 triệu căn nhà ở giá thấp để phục vụ cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, người nhập cư là tín hiệu tích cực.
“Nếu chúng ta xây dựng được khu nhà lưu trú công nhân tập trung thì sẽ thực hiện được mục tiêu, một cung đường hai điểm đến, kiểm soát được khu nhà trọ và cơ sở sản xuất kinh doanh. Khu nhà trọ mà được kiểm soát quản lý tốt thì chúng ta rất yên tâm về nơi công nhân ở hàng ngày. Thực tế mô hình nhà lưu trú đã chứng minh hiệu quả qua đợt dịch bùng phát vừa qua, lượng công nhân vẫn ở ổn định và an toàn, nếu có ca nhiễm thì quy trình xử lý cũng an toàn. Qua dịch bệnh càng bức xúc hơn về nhu cầu nhà ở cho người lao động, nhất là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, ông Châu nói.
Theo ông Châu, mục tiêu 1 triệu căn nhà giá thấp của thành phố là cần thực hiện trong dài hạn bởi hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 13 triệu dân nhưng mới có hơn 2 triệu căn nhà. Như vậy mục tiêu 1 tiệu căn nhà là mục tiêu đầy tham vọng nên phải làm dài hơi và có lộ trình cụ thể.
Hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 15 Tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản tham gia chương trình nhà ở xã hội nhưng khi bắt tay vào thực hiện lại vướng thủ tục hành chính, cơ chế chính sách. Chẳng hạn như nguồn vốn tín dụng từ ngân sách để tái cấp vốn hoặc cấp bù lại suất cho các ngân hàng để hỗ trợ chủ đầu tư hay người mua nhà vay mua nhà ở xã hội; Chưa huy động được các nguồn lực tham gia tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội hoặc khi doanh nghiệp tự tạo lập quỹ đất lại không được hỗ trợ…
Nên làm nhà cho thuê nhiều hơn
Từ thực tế vận hành khu nhà ở lưu trú công nhân, ông Nguyễn Văn Lợi – Tổng Giám đốc Công ty Thiên phát cho biết, nhu cầu của người lao động về nhà ở là rất lớn nên cần nhanh chóng tháo gỡ cơ chế để nhiều doanh nghiệp mạnh dạn cùng với Nhà nước tham gia đầu tư có hiệu quả. Trong phát triển bền vững có 3 trụ cột là tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Trong 3 trụ cột thì công bằng xã hội mà để người làm ra của cải xã hội phải ở nơi chật hẹp, thiếu tiện ích thì thật bất công nên cần phải tháo gỡ.
“Chính phủ nên tạo điều kiện cho thị trường tự phục vụ, thay thế chính sách Nhà nước làm thay cho thị trường. Cơ chế chính sách hiện nay đã tốt tuy nhiên trong Nghị định 49/2021 và Thông tư hướng dẫn có một vài điểm nhỏ cần tháo gỡ để tạo ra những sản phẩm bền vững hơn. Thứ nhất là vướng về nhà đầu tư khi có hai nhà đầu tư trở lên là phải tổ chức chọn thầu và theo quy định thì ai bỏ tiền sử dụng đất cao hơn sẽ được chọn nhưng làm nhà ở xã hội thì tiền đất bằng không.
Thứ hai là lợi nhuận từ 20% (phần được bán theo giá thị trường) phải hòa vào chung lợi nhuận của dự án nên không khuyến khích các chủ đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội vì chi phí để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư là rất lớn. Thực tế, các chủ đầu tư cũng tìm cách lách luật để giảm lợi nhuận của phần diện tích được bán bán thương mại… làm cho việc hạch toán không minh bạch, không trung thực và không khuyến khích chủ đầu tư làm đẹp cho dự án. Nên tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm cửa rộng ở mục 20%.
Thứ ba là nhà ở xã hội nên cho thuê nhiều hơn, nhất là nhà ở cho công nhân vì mấy năm đầu khi người dân nhập cư vào thành phố chưa có tâm lý ổn định nên hay nhảy việc. Thời gian này tập cho người lao động có sự quyết tâm thích nghi tác phong công nghiệp và lối sống đô thị. Vấn đề không phải là chỗ ở mà là làm sao cho người lao động thích nghi tác phong công nghiệp, kèm theo đó là môi trường văn hóa và lâu dài sẽ an toàn hiệu quả hơn”, ông Lợi chia sẻ.
Cùng đưa ra giải pháp để giúp tăng tốc phát triển nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa – Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cũng góp ý: Doanh nghiệp tham gia làm nhà ở xã hội là cống hiến cho thành phố, nhưng khi thực hiện thì thủ tục pháp lý khó hơn. Vì nhà ở xã hội có giai đoạn hậu kiểm do không có quy trình riêng mà phải theo nhà thương mại nên kiểm tra kỹ hơn.
Bên cạnh đó là Quy hoạch thành phố không còn phù hợp nên khi xin pháp lý rất khó vì trong quy hoạch không có hoặc rất ít vị trí giành cho nhà ở xã hội. Từ đó kéo theo quy mô dân số, hệ số sử dụng đất, bởi nhà ở xã hội cho phép hệ số tăng lên 1,5 lần nhưng lại không phù hợp quy hoạch sử dụng đất khu vực đó.
“Đề nghị tiết kiệm đất thì tầng cao nhà ở xã hội nên từ 20 tầng trở lên còn theo quy định hiện nay thì không thể làm được. Khi làm nhà ở xã hội là doanh nghiệp làm bằng tài sản của họ thì Nhà nước làm ơn đừng có thanh tra, kiểm tra nhiều vì dễ bị nản mà không muốn tham gia nữa. Và thay vào đó là khen thưởng để động viên tinh thần, ghi nhận đóng góp của doanh nghiệp bằng các hình thức khen thưởng”, ông Nghĩa đề nghị.
Cao Cường
Theo