Thứ tư 13/11/2024 19:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Thành phố Hồ Chí Minh nhiều bất cập trong chuyện xây dựng nhà ở cho công nhân

Bài 1: Đất bỏ không – Công nhân thiếu nhà ở

18:30 | 15/11/2021

(Xây dựng) – Qua đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã bộc lộ nhiều bất cập về an sinh xã hội, trong đó có vấn đề nhà ở cho công nhân lao động. Đây được xem là “hồi chuông ngân dài” như những dòng người về quê bởi thiếu nguồn cung nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp và nó cũng là vấn đề “an cư” cho câu chuyện “lạc nghiệp” của người lao động từ nông thôn ra thành thị.

bai 1 dat bo khong cong nhan thieu nha o
Khu đất hơn 3ha tại phường Long Thạnh Mỹ, thành phố Thủ Đức đã được xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đang chờ nhà công nhân.

Ở các đô thị lớn hiện nay, nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, đặc biệt là các đô thị phát triển công nghiệp phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Mặc dù quỹ đất dành cho nhà ở xã hội đã được quy hoạch, thậm chí có nơi còn đầu tư sẵn hạ tầng kỹ thuật nhưng vì sao vẫn không thể triển khai xây dựng nhà ở?

Nhà ở công nhân khu công nghệ cao bao giờ thành hiện thực?

Có đất nhưng không thể xây nhà cho công nhân là thực trạng đáng buồn mà gần 18 năm qua chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh chưa tìm được lời giải. Hiện Thành phố có hơn 280.000 công nhân làm việc tại 17 khu công nghiệp và khu chế xuất, nhưng chỉ có 8% công nhân được ở trong khu lưu trú các khu công nghiệp.

Ngay sau khi thành lập Khu công nghệ cao (KCNC), Thành phố Hồ Chí Minh đã dành 2 khu đất có diện tích rộng hơn 3ha và 32ha (khu 32ha sau điều chỉnh còn hơn 20,1ha vào năm 2010) để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, chuyên gia làm việc tại KCNC. Năm 2003, 2004 UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định giao 2 khu đất này tại phường Long Thạnh Mỹ, quận 9 (nay là Thành phố Thủ Đức) cho Ban quản lý KCNC. Thế nhưng từ đó đến nay, trải qua rất nhiều cuộc họp giữa các ban ngành và nhà đầu tư nhưng nhà vẫn nằm trên giấy còn đất thì bỏ không cho cỏ mọc.

Ngay từ những ngày đầu quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất, Chính phủ luôn quan tâm dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân lao động, người thu nhập thấp tại đô thị. Điều đó được thể hiện rất rõ trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Việc dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội từ các dự án bất động sản được xem là của để dành.

Tuy nhiên, để hoàn tất thủ tục pháp lý lại không hề đơn giản bởi nhiều lý do, trong đó có sự thờ ơ thiếu sâu sát của lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp, sự chồng chéo các quy định pháp luật. Và đặc biệt đây không phải là miếng bánh ngon, không phải là “gà đẻ trứng vàng” để thu hút doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Nhà ở công nhân là cần thiết nhưng không ai giải quyết

18 năm trôi qua, 2 khu đất tại KCNC lại được để “trồng cỏ” mà nhà cho công nhân thì xây “trên giấy” và không biết đến bao giờ mới thành hiện thực. Vì sao lại để lãng phí trong khi nhu cầu của người lao động ngày càng cấp bách, đi tìm hiểu nguyên nhân của 2 khu đất này thì được biết:

Năm 2003, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định thu hồi hơn 3ha đất tại phường Long Thạnh Mỹ quận 9 và tạm giao toàn bộ diện tích đất này cho Ban quản lý KCNC Thành phố để làm nhà lưu trú cho công nhận làm việc trong KCNC. Sau đó khu đất được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, trạm biến áp…

Năm 2011, Công ty Cổ phần Sản xuất xây dựng Thanh Bình xin đăng ký với Ban quản lý KCNC để đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân làm việc tại KCNC và được chấp thuận chủ trương giao đất theo Nghị quyết 18/2009 của Chính phủ. Nhận được chấp thuận chủ trương này, Công ty Cổ phần Sản xuất xây dựng Thanh Bình đã tiến hành các thủ tục cần thiết để nhanh chóng được chính thức giao đất khởi công dự án.

Tuy nhiên, do các thủ tục về giao đất chồng chéo nên đến nay Công ty Cổ phần Sản xuất xây dựng Thanh Bình vẫn chưa nhận được đất để tiến hành khởi công xây dựng nhà ở công nhân. Mặc dù đã chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn, nhân lực, vật lực, sẵn sàng xây dựng nhà ở cho công nhân, đáp ứng nhu cầu cấp bách cho người lao động tại KCNC.

Số phận khu đất 20,1ha cũng không sáng sủa hơn, bởi từ năm 2004 đến nay, khu đất rộng 32ha đã bị cắt đi 11ha và mãi vẫn loay hoay với “một rừng” quy định pháp luật, sự thờ ơ thiếu quyết liệt của chính quyền các cấp khiến nhà ở công nhân đầy nhân văn đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi UBND Thành phố, năm 2017 UBND Thành phố chấp thuận chủ trương giao khu đất này cho Liên danh Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Sản xuất Dịch vụ Thiên Phát (Liên danh HFIC - Thiên Phát) tự bỏ kinh phí để tổ chức nghiên cứu lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu nhà ở cho người làm việc tại CNC; đồng thời, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện.

Ngay sau đó, các sở ngành đều có các công văn thống nhất việc cần thiết phải đầu tư xây dựng khu nhà ở dành cho công nhân làm việc tại KCNC, nhưng trách nhiệm lại được Sở này đá qua Sở kia và lại trả về UBND Thành phố. Ban Quản lý KCNC là đơn vị được UBND Thành phố giao đất cũng thống nhất chủ trương xã hội hóa đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án. Thế nhưng Ban này cũng chỉ thống nhất với các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị và chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật do UBND quận 9 thẩm định và phê duyệt. Còn làm gì để đẩy nhanh tiến độ, đưa dự án vào triển khai thực tế thì không ai biết?

Do đó, năm 2018 Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản kiến nghị UBND Thành phố giao cho UBND quận 9, chủ trì phối hợp với các đơn vị lập quy hoạch điều chỉnh cục bộ tỷ lệ 1/2000 Khu vực dự án gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt. Đến đây lại chờ ý kiến của UBND Thành phố mà không hiểu lý do của sự chậm chễ và nhà đầu tư còn phải chờ đến bao lâu nữa?

Tại Khu chế xuất Linh Trung I, năm 2011 UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng giao khu đất có diện tích trên 17.000m2 cho Trung tâm phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) để đầu tư dự án khu nhà lưu trú công nhân tại phường Linh Trung quận Thủ Đức (nay là thành phố Thủ Đức). Có được quỹ đất sạch, Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nhà lưu trú công nhân (thuộc UBND Thành phố) đã tổ chức nhiều cuộc họp, lấy ý kiến các sở ban ngành và địa phương, cũng như mời nhà đầu tư tham gia. Tất cả đã thống nhất chủ trương đồng ý xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thuê tại Khu chế xuất Linh Trung I. Từ năm 2015 đến năm 2018, Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nhà lưu trú công nhân, các sở ngành liên tục gửi văn bản xin ý kiến chỉ đạo nhưng UBND Thành phố lại im lặng?

Thậm chí năm 2017, trong một văn bản gửi UBND Thành phố Sở Xây dựng phải thốt lên rằng “Đến nay, Sở Xây dựng vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo, kiến nghị UBND Thành phố quan tâm xem xét, có ý kiến chỉ đạo để Sở Xây dựng có cơ sở triển khai thực hiện”.

Và hành trình hình thành khu nhà ở cho công nhân đã đi từ trang giấy này qua trang giấy khác mà không biết đến khi nào mới thành hiện thực, đáp ứng nhu cầu mong mỏi và phù hợp chính sách nhân văn mà Chính phủ đang ngày đêm xây dựng.

Những nguyên nhân khiến nhà ở công nhân khó phát triển

Trong buổi làm việc với KCNC chiều 10/11, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã đề nghị Ban quản lý KCNC cần tính toán để xây nhà lưu trú cho công nhân, nhà ở xã hội. Bởi theo ông Nên, có làm được nhà ở cho công nhân mới ổn định cuộc sống người lao động, duy trì sản xuất.

“Nhà lưu trú công nhân theo quy hoạch lúc đầu thì khác, giờ thì khác. Đề nghị tính toán trong giai đoạn thích ứng, chúng ta sử dụng những nơi còn chưa sử dụng làm nhà lưu trú cho công nhân để họ ổn định sản xuất”, ông Nên chỉ đạo.

Báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây cũng cho biết tỷ lệ xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân chỉ đạt tỷ lệ 36% so với kế hoạch đề ra với 2,3 triệu m2 sàn. Hiện cả nước đang tiếp tục triển khai 91 dự án với quy mô xây dựng khoảng 5 triệu m2 sàn nhà ở. Trong khi đó, lượng công nhân trên cả nước ước tính 4,8 triệu người. Hơn 70% công nhân đang thuê trọ trong các khu nhà người dân tự xây, không đảm bảo các tiêu chí an toàn và an ninh cho người lao động phục hồi sức khỏe.

bai 1 dat bo khong cong nhan thieu nha o
Khu đất 20,1ha tại khu công nghệ cao được quy hoạch làm nhà ở cho công nhân nhưng đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống cho cỏ mọc.

Từ những con số này, Bộ Xây dựng đã chỉ ra những nguyên nhân chính khiến việc triển khai nhà ở xã hội cho công nhân gặp nhiều khó khăn như: Thiếu nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở công nhân; Nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, chưa xem đó là chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; Doanh nghiệp bất động sản không mặn mà xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân bởi lợi nhuận và chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn. Các doanh nghiệp sử dụng lao động không quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình thông qua việc mua, thuê nhà ở, xây dựng nhà ở xã hội để cho công nhân thuê; Công nhân lao động đa phần gặp nhiều khó khăn về kinh tế, chưa đủ lực tài chính để mua nhà.

Trước khó khăn này, Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, bổ sung các cơ chế, chính sách thông thoáng hơn để phát triển nhà ở xã hội.

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang có kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, hy vọng 3 khu đất nói trên sẽ phát huy giá trị của mình khi sớm trở thành những căn nhà lưu trú cho công nhân trên địa bàn Thành phố.

Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load