(Xây dựng) – Người dân phản ánh UBND quận Bắc Từ Liêm ra quyết định cưỡng chế, thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Công viên Hữu Nghị nhưng thực chất dùng 1 phần đất (hơn 3.000m2) để làm dự án Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây. Trong khi vị trí đặt trạm biến áp được người dân cho là không đúng vị trí đã phê duyệt. Qua đó, người dân kiến nghị UBND Thành phố Hà Nội khẩn cấp chỉ đạo tạm dừng cưỡng chế, làm rõ pháp lý cũng như giải quyết dứt điểm các khiếu nại của người.
Khu vực nhà dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây. |
Theo đơn của ông Hoàng Văn Khổn và bà Phạm Thị Thạo và gần 20 hộ dân có đất bị thu hồi tại địa chỉ TDP Hoàng 10, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội thì gần 20 hộ dân trong diện có đất bị thu hồi để thực hiện dự án trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây nhưng trong các văn bản của cơ quan chức năng quận Bắc Từ Liêm đều khẳng định là thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Công viên Hữu nghị tại phường Cổ Nhuế 1. Điều này khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng vì có sự mâu thuẫn trong các văn bản của cơ quan chức năng và cho rằng tính chất pháp lý, vị trí, mục đích của dự án cần phải được xem xét, công khai minh bạch, rõ ràng.
Người dân phản đối quyết định cưỡng chế của UBND quận Bắc Từ Liêm (ảnh người dân cung cấp). |
Cụ thể, tại các Văn bản của UBND quận Bắc Từ Liêm số 3436 ngày 7/11/2019, số 2258 ngày 14/7/2021, số 4111 ngày 9/11/2021, số 1766 ngày 22/6/2022, số 1023 ngày 29/9/2022; Văn bản số 900 và 901 ngày 01/10/2022 của UBND phường Cổ Nhuế 1 đều khẳng định mục đích thu hồi đất của ông Hoàng Văn Khổn và bà Phạm Thị Thạo và 1 số hộ để thực hiện dự án xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Công viên Hữu Nghị.
Tuy nhiên, tại Văn bản số 3957 ngày 10/12/2021 của UBND quận Bắc Từ Liêm trả lời đơn kiến nghị của ông Khổn, bà Thạo thì khẳng định vị trí đất của ông Khổn, bà Thạo “nằm trong chỉ giới GPMB thực hiện dự án thuộc vị trí khu đất Công viên Hữu Nghị, nay được UBND thành phố chấp thuận bố trí địa điểm để xây dựng trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây và nhánh rẽ tại Văn bản số 2384/UBND-CT ngày 9/4/2010”.
Như vậy, trạm biến áp được bố trí ngay trong khuôn viên đất dự án xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Công viên Hữu Nghị. Nhưng tại Văn bản số 2384/UBND-CT của Thành phố Hà Nội ngày 09/4/2010 thể hiện thành phố chấp thuận vị trí “địa điểm để xây dựng trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây trong khu đất hạ tầng kỹ thuật đầu mối ký hiệu 07-KT1, thuộc Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Tây Hồ Tây đã được UBND thành phố phê duyệt”.
Vị trí trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây được người dân cho là đặt không đúng vị trí được duyệt. |
Theo người dân, việc mâu thuẫn này khiến người dân không rõ đất của mình bị thu hồi thực chất để làm dự án nào và thực tế vị trí của trạm biến áp đặt ở đâu, ở trong khuôn viên đất dự án bảo tàng và công viên hay trong khu đô thị Tây Hồ Tây? Nếu đất thu hồi dùng để làm dự án trạm biến áp thì người dân cho rằng, cần phải có quyết định điều chỉnh mặt bằng, điều chỉnh chủ trương dự án, điều chỉnh tính chất của dự án, điều chỉnh quy hoạch chi tiết bởi trước đó, khu vực này được quy hoạch để xây dựng bảo tàng, công viên. Đến nay, người dân chưa nhận được các văn bản pháp lý liên quan đến dự án trạm biến áp mà chỉ có các tài liệu thể hiện UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận vị trí xây dựng trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây tại khu đất hạ tầng kỹ thuật đầu mối, ký hiệu 07-KT1, thuộc Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Tây Hồ Tây. Phải chăng vị trí của dự án trạm biến áp đang được đặt sai vị trí?
Cũng chính bởi sự mâu thuẫn này trong các văn bản nên một vị chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho rằng, cơ quan chức năng cần phải công khai cụ thể mốc giới, ngày cắm mốc và cơ quan nào cắm mốc giới thực địa của dự án để người dân có cơ sở đối chiếu với quy hoạch, với vị trí đất của mình và xác định rõ vị trí dự án.
Ngoài ra, tại Văn bản số 822 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc ngày 24/3/2010 có nhắc đến mục đích của trạm biến áp để cấp điện cho khu đô thị Tây Hồ Tây và khu dân cư lân cận. Chính điều này khiến người dân đặt vấn đề, tại sao không cho chủ đầu tư dự án Tây Hồ Tây thoả thuận đền bù cho người dân mà nhà nước đứng ra thu hồi, GPMB? Như vậy, cần phải làm rõ mục đích của trạm biến áp này và thẩm quyền thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc về đơn vị nào?
Một việc nữa khiến người dân bức xúc là trong buổi sáng 5/10, chính quyền dán công khai chỉ giới đường đỏ, ranh giới thu hồi đất dự án xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Công viên Hữu Nghị; vị trí trạm biến áp ở gần khu dân cư thì buổi chiều dán thông báo thời gian cưỡng chế đợt 1 là ngày 19/10, thời gian di chuyển đồ đạc ra khỏi khu vực cưỡng chế đợt 1 trước 17h00 ngày 10/10 mặc dù văn bản này đã được ký từ ngày 01/10. “Như vậy thời gian quá ngắn, quá gấp khiến người dân không kịp trở tay”, một người dân chia sẻ.
Về phần thu hồi đất, giải phóng mặt bằng không được bồi thường đất, chỉ được hỗ trợ tài sản trên đất khiến nhiều người “ngã ngửa” bởi họ cho rằng nhà, đất của họ đã được mua, xây dựng từ rất lâu, quá trình xây dựng sinh sống không bị cơ quan nào lập biên bản, xử phạt về đất đai, xây dựng, thậm chí họ còn đóng thuế đất từ nhiều năm trở lại đây. Nay Nhà nước thu hồi không bồi thường về đất, không bố trí tái định cư nên gia đình họ bị đẩy ra đường sẽ không biết đi đâu, về đâu, ví dụ như trường hợp nhà ông Khổn, bà Thạo là 1 ví dụ điển hình. Có những trường hợp bị thu hồi giá đất theo thị trường khoảng 10 tỷ, nhưng tổng số tiền bồi thường hỗ trợ chỉ được khoảng 1 tỷ, trong khi giá mua căn hộ tái định cư khoảng 1,5 tỷ.
Từ những phản ánh trên đây của người dân, chúng tôi cho rằng, cơ quan chức năng Thành phố Hà Nội cần vào cuộc, xem xét pháp lý, vị trí, mục đích của dự án trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây và dự án xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Công viên Hữu Nghị. Kịp thời chỉ đạo cơ quan chức năng tạm dừng cưỡng chế theo đúng quy định pháp luật để giải quyết những thắc mắc của người dân, minh bạch thông tin, giải thích rõ ràng những uổn khúc trong dự án này để người dân cùng biết, cùng đồng thuận.
Đỗ Lê
Theo