(Xây dựng) – Trước thông tin, trong quá trình xây dựng Trường Mầm non Trần Nguyên Hãn (thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), đơn vị tư vấn thiết kế và Sở Xây dựng đã “quên” tiêu chuẩn về diện tích phòng sinh hoạt chung khi xây dựng phòng này quá nhỏ so với TCVN 3907:2011. Báo điện tử Xây dựng đã làm việc với các bên để làm rõ vấn đề này.
Công trình xây dựng Trường Mầm non Trần Nguyên Hãn, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. |
Theo quyết định đầu tư, Dự án xây dựng Trường Mầm non Bắc Giang do UBND phường Trần Nguyên Hãn làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần kiến trúc Việt Bách là đơn vị tư vấn thiết kế. Gói thầu xây lắp do Công ty cổ phần xây dựng số 1 Bắc Giang trúng thầu với kinh phí gần 30 tỷ đồng, thời gian thực hiện 330 ngày.
Phản ánh trên hồ sơ thiết kế cho thấy, Trường Mầm non Trần Nguyên Hãn có 20 phòng sinh hoạt chung đều được thiết kế với diện tích bằng nhau là 42m2.
Tại Điều 3 của Tiêu chuẩn quốc gia xây dựng trường mầm non TCVN 3907:2011 thì “Số lượng trẻ được phân chia thành nhóm trẻ - lớp mẫu giáo theo độ tuổi: Đối với nhóm trẻ có độ tuổi từ 3 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi. Số trẻ tối đa trong một nhóm trẻ quy định như sau: Nhóm trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi: 15 trẻ; Nhóm trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi: 20 trẻ; Nhóm trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi: 25 trẻ.
Đối với lớp mẫu giáo có độ tuổi từ 3 tuổi đến 6 tuổi. Số trẻ tối đa trong một lớp mẫu giáo quy định như sau: Lớp mẫu giáo 3 đến 4 tuổi: 25 trẻ; Lớp mẫu giáo 4 đến 5 tuổi: 30 trẻ; Lớp mẫu giáo 5 đến 6 tuổi: 35 trẻ”.
Còn tại Điều 5 về nội dung công trình và yêu cầu giải pháp thiết kế kiến trúc của tiêu chuẩn này đã hướng dẫn chi tiết, cụ thể đối với từng lứa tuổi và phòng chức năng như sau: “Khi thiết kế phòng sinh hoạt chung cần đáp ứng các yêu cầu sau: Đảm bảo tiêu chuẩn diện tích: từ 1,50 m2/trẻ đến 1,80 m2/trẻ nhưng không được nhỏ hơn 24 m2/phòng đối với nhóm trẻ và 36m2/phòng đối với lớp mẫu giáo”.
Tuy nhiên, cũng tại tiêu chuẩn này, dưới phần chú thích lại ghi: “Diện tích phòng sinh hoạt chung của nhóm trẻ không được nhỏ hơn 36m2; đối với lớp mẫu giáo không nhỏ hơn 54m2”.
Theo ý kiến của một số lãnh đạo trường mầm non, họ tỏ ra băn khoăn với quy định tại tiêu chuẩn này. Áp theo phần chú thích thì diện tích đang xây dựng của Trường Mầm non Trần Nguyên Hãn không đạt tiêu chuẩn còn theo Điều 5 của tiêu chuẩn này thì vẫn có thể chấp nhận được.
Trao đổi với ông Trịnh Quang Tùng - Trưởng phòng Quản lý xây dựng (Sở Xây dựng Bắc Giang), đơn vị thẩm định hồ sơ thiết kế của công trình này được biết, việc đơn vị tư vấn thiết kế đưa ra những con số trên là phù hợp kinh tế kỹ thuật của công trình. Theo ông Tùng, đơn vị tư vấn thiết kế đã lấy số lượng trung bình của các nhóm tuổi/lớp là 28 trẻ/lớp làm căn cứ để xác định diện tích phòng sinh hoạt chung. Đây là nhiệm vụ thiết kế theo dự án nên đơn vị thiết kế đã ấn định con số như thế. Do đó, việc áp dụng số lượng này với diện tích tối thiểu là 1,50 m2/trẻ thì sẽ đạt 42 m2/phòng và diện tích này cũng không nhỏ hơn diện tích tối thiểu được quy định tại Điều lệ trường mầm non và TCVN 3907:2011.
Về phần chú thích trong TCVN 3907:2011, ông Tùng cho rằng đây là quy định không phù hợp và mâu thuẫn với các quy định trong Điều 5. Ngoài ra, việc quy định này mang tính lãng phí, không cần thiết trong quá trình xây dựng và cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà giáo dục, hiện nay phần lớn các trường mầm non công lập không nhận trẻ dưới 36 tháng tuổi. Đối với các lớp mẫu giáo lớn tại các trường này có số lượng trẻ đông, trung bình khoảng trên 30 trẻ/lớp. Với số lượng như vậy thì diện tích tối thiểu đối với phòng sinh hoạt chung cũng phải đạt 45 m2/phòng và có thể đa dạng diện tích phòng theo quy mô lứa tuổi.
Do đó, xét theo thực tế yêu cầu thì việc thiết kế xây dựng ở đây chưa tính đến các yếu tố phù hợp thực tiễn. Đây là yếu tố mà các đơn vị thiết kế, thẩm định cần tính đến trong quá trình xây dựng các công trình mầm non.
Chương Huyền
Theo