(Xây dựng) – Sáng 22/7, Quốc hội nghe các báo cáo đánh giá, thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua và những năm tiếp theo. Kết quả phát triển kinh tế-xã hội vẫn duy trì ổn định tích cực, Chính phủ đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu trong thời gian tới đảm bảo ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021. |
Duy trì ổn định và đạt kết quả tích cực
Trình bày Báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân.
Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì ổn định và đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định. Thu ngân sách Nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng 6,8%.
Tuy nhiên, việc kiểm soát dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra. Một số ngành kinh tế và đời sống một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng có dịch, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn yếu tố khó lường.
Trong những tháng còn lại của năm 2021, Chính phủ tiếp tục quán triệt các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội; theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp và tổ chức chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, nhưng ưu tiên lúc này là tập trung phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, trong đó tập trung vào các trọng tâm là bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân; củng cố nền tảng vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức bộ máy Nhà nước; tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí...
Đảm bảo ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, trên quan điểm phát triển bám sát quan điểm phát triển kinh tế-xã hội của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó tập trung bảo đảm ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở ngày càng dựa nhiều hơn vào phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. |
Mục tiêu tổng quát là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.
Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng 02 chỉ tiêu so giai đoạn 2016-2020, với 08 chỉ tiêu về kinh tế, 09 chỉ tiêu về xã hội và 06 chỉ tiêu về môi trường. Một số chỉ tiêu quan trọng là: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi ngân sách Nhà nước bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.
Một số vấn đề kinh tế-xã hội cần được nhấn mạnh
Trình bày Báo cáo thẩm tra về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá, về tổng thể giai đoạn 5 năm 2016-2020 đã đạt những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Công tác điều hành của Chính phủ tiếp tục có nhiều đổi mới, tập trung xử lý các vấn đề kinh tế-xã hội khó khăn, thể hiện sự quyết liệt, năng động, nhất quán, sâu sát…
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng nêu một số vấn đề kinh tế-xã hội cần được nhấn mạnh thêm: Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa có bứt phá lớn, kết quả thực hiện 03 đột phá chiến lược chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhất là kết cấu hạ tầng. Một số chỉ tiêu không đạt: GDP bình quân năm; GDP bình quân đầu người; Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP; Tỷ lệ lao động qua đào tạo; Giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân.
Thu ngân sách Nhà nước chưa bền vững, số vượt thu chủ yếu là các khoản thu từ vốn và thu từ đất đai; cơ cấu thu chưa đạt theo kế hoạch; công tác kê khai, quản lý thuế đối với hộ kinh doanh vẫn còn hạn chế. Các khoản thu ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài và khu vực tư nhân không đạt. Tỷ trọng chi thường xuyên vẫn còn ở mức cao (64,9% năm 2017, 64% năm 2020). Chi cho khoa học, công nghệ không đạt chỉ tiêu 2%.
Thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn còn hạn chế; nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được xử lý dứt điểm; hết năm 2020, số nợ đọng còn lại là 9.923 tỷ đồng; một số đơn vị còn nợ đọng lớn như Bộ Giao thông vận tải, Ninh Bình, Lạng Sơn, Phú Thọ.
Một số chính sách năm 2020 kết quả thực hiện rất thấp so với mục tiêu, nhất là gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ Tổng Công ty Hàng không Việt Nam triển khai chậm.
Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có mặt còn chưa đồng bộ, đầy đủ. Môi trường đầu tư chưa đạt chỉ số nhóm 4 nước đứng đầu khu vực; chi phí logistics còn ở mức cao, hơn 20% GDP, gần gấp đôi mức trung bình thế giới (khoảng 11% GDP); năng suất lao động được cải thiện nhưng còn thấp so với khu vực, chỉ số nguồn nhân lực nằm ngoài nhóm 5 nước đứng đầu khu vực. Tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp còn cao (trên 32,2%), đây là khu vực có năng suất lao động thấp nhất.
Kinh tế tư nhân chưa hình thành được nhiều doanh nghiệp lớn; vẫn thiếu cơ chế, chính sách. Năng lực tự chủ của ngành công nghiệp còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài; công nghiệp hỗ trợ còn chậm phát triển. Nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng, mức độ huy động từ nguồn xã hội hóa còn thấp; một số sản phẩm nông nghiệp vẫn còn tình trạng dư thừa phải giải cứu.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra. |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, cần quy định cụ thể thời hạn, lộ trình hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng như các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; xử lý dứt điểm cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng yếu kém; thực hiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước; xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương, các dự án đầu tư hạ tầng thuộc ngành giao thông, đường sắt đô thị; rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế-kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất đầu tư xây dựng; đưa vào vận hành an toàn các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải theo đúng tiến độ; sắp xếp lại khối doanh nghiệp Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, các công ty nông, lâm nghiệp; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; thực hiện 3 đột phá chiến lược; hoàn thiện hệ thống pháp luật; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Thanh Nga
Theo