Thứ sáu 19/04/2024 12:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thái Nguyên: Quyết sách, hành động và niềm tin

09:29 | 07/06/2021

(Xây dựng) - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX dường như đã mở ra một cơ hội mới, một lối đi mới đầy quyết liệt và sáng tạo khi những người chèo lái con thuyền Thái Nguyên đã và đang biến mục tiêu xây dựng địa phương trở thành trung tâm vùng Việt Bắc - vùng Thủ đô Hà Nội từ nghị quyết, mong muốn thành hiện thực.

thai nguyen quyet sach hanh dong va niem tin
Bà Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên kiểm tra hoạt động tại các chốt phòng, chống dịch Covid-19.

Thách thức

Trong nhiệm nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên xác định mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân từ 8%/năm trở lên; cơ cấu kinh tế đến năm 2025, công nghiệp, xây dựng 61%, dịch vụ 31%, nông, lâm nghiệp, thủy sản 8%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân từ 9%/năm trở lên; giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân 7%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 150 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân (theo chuẩn mới) từ 1% trở lên... phấn đấu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Đây có thể coi là một thách thức không nhỏ đối với những người lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. Bởi thực tế, dù có những tiến bộ đáng kể, nền kinh tế - xã hội của Thái Nguyên giai đoạn trước đó không thực sự bền vững, có nhiều tồn tại lớn cần phải được giải quyết.

Hơn một năm trước, khi bà Nguyễn Thanh Hải - nguyên Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc Hội nhậm chức Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, trong niềm hân hoan đón chào nữ Bí thư đầu tiên của tỉnh, chúng tôi vẫn có những lo lắng nhất định về tuổi tác, kinh nghiệm bởi thời điểm ấy, quá nhiều vấn đề “nóng” chờ đợi.

Vấn đề đầu tiên có thể nói đến là việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh là một nhiệm vụ không đơn giản. Mặc dù công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt được nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 13,4% năm 2015 xuống còn 4,3% năm 2019, giảm nhanh hơn tốc độ bình quân chung của cả nước, nhưng Thái Nguyên còn 578 xóm thuộc khu vực đặc biệt khó khăn và xã khu vực III với trên 14.400 hộ nghèo và trên 21.300 hộ cận nghèo.

Trong khi đó, lĩnh vực thu ngân sách địa phương chưa thực sự bền vững, phần lớn vẫn phụ thuộc vào các ngành khai khoáng và đất đai. Trong một thời gian dài, ngoài đầu tư của Samsung, Núi Pháo… các doanh nghiệp địa phương cũng chỉ tập trung đầu tư vào phát triển khu dân cư, khu đô thị hoặc gia công sản xuất hàng hóa, thay vì đầu tư vào phát triển sản xuất với những nguồn nguyên liệu từ địa phương và có quy mô lớn…

Bên cạnh đó, nhiều người dân còn dõi chờ ứng xử của tân Bí thư Tỉnh ủy đối với những kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên hồi tháng 7/2019 như: Giải quyết những bức xúc của người dân đối với trạm BOT Bờ Đậu; Chuyện đô thị thành phố Thái Nguyên gần 60 năm thành lập và đã được công nhận đô thị hạng I nhiều năm vẫn chưa thể có nổi một công viên; hay như ngành thể thao tỉnh dù không hiếm nhân tài nhưng nhiều năm vẫn chẳng có thành tích cao…

Trong lĩnh vực đầu tư, mặc dù thu hút được nguồn lực lớn đầu tư vào nhiều lĩnh vực, nhưng việc triển khai các dự án gặp không ít vướng mắc, khó khăn. Ðiển hình như Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu với 9 dự án thành phần, tổng số vốn đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng do Công ty cổ phần Sông Cầu - Thái Nguyên là đại diện đầu tư, bị ách tắc hơn hai năm qua do vướng khâu hoàn thiện thủ tục hành chính, điều chỉnh quy hoạch, nay lại đang chờ kết luận của thanh tra.

Đó còn là dự án đình đám Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc với tổng số vốn đầu tư dự kiến tăng lên hơn 20 nghìn tỷ đồng, khởi công từ năm 2016 nay cũng đang rơi vào lo ngại không biết đến thời điểm kết thúc...

Đó cũng là câu chuyện 2 dự án chiếm giữ đất vàng tại thành phố Thái Nguyên của Công ty cổ phần Trung Tín, mặc dù đã có Kết luận Thanh tra về sai phạm từ năm 2017 và UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định thu hồi dự án từ năm 2013 nhưng đến nay, nhà đầu tư vẫn không chịu bàn giao…

Đó là chuyện nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép, không đúng quy hoạch, mà điển hình là Công trình xây dựng nhà ở xã hội - Khu chung cư Đại Nam (chung cư Green Pearl) tại tổ 27, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên sau 2 năm triển khai xây dựng, đến cuối năm 2018 công trình này đã thi công được 1 tầng hầm, 7 tầng nổi nhưng kiểm tra là không phép, và trong khi thanh tra chưa có kết luận thì doanh nghiệp tiếp tục xây dựng thêm được 4 - 5 tầng…

Đó là 2 dự án sân golf đang “tích cực triển khai” gồm: Dự án sân golf 36 lỗ Yên Bình (nằm trong dự án Tổ hợp khu đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình) và Dự án sân golf Hồ Núi Cốc có quy mô 36 lỗ lại vướng phải rào cản quá lớn là cả hai dự án sân golf trên đều sử dụng khá nhiều đất lúa, đất rừng, (với gần 80ha đất rừng phòng hộ tại Dự án sân golf Hồ Núi Cốc; hàng trăm ha đất lúa và đất rừng đối với dự án sân golf 36 lỗ Yên Bình)…

Đó còn là một số dự án chồng chéo về địa điểm đầu tư, khó khăn về giải phóng mặt bằng. Là việc một số doanh nghiệp lớn ký biên bản ghi nhớ đầu tư (chiếm khoảng 40% tổng số vốn cam kết đầu tư vào tỉnh tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018) nhưng đến nay chưa tích cực triển khai... cho thấy để hấp thụ được nguồn vốn đầu tư lớn cần sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt của những người đứng đầu tại địa phương…

thai nguyen quyet sach hanh dong va niem tin
Ông Trịnh Việt Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính mức độ 4 tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Hứa hẹn và hành động

Trong lời phát biểu nhận nhiệm vụ, thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX gồm 51 người, bà Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khóa XX đã hứa với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, với Đại hội và toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên: “Với tinh thần cầu thị, khiêm tốn, học hỏi, lắng nghe, Ban Chấp hành sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, chung sức, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thách thức, phát huy trí tuệ tập thể, dân chủ, đổi mới, năng động, sáng tạo, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XX đề ra. Tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ luôn toàn tâm, toàn ý vì sự phát triển chung của tỉnh Thái Nguyên; vì sự hài lòng, vì sự ấm no và sung túc của nhân dân; xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh”.

Theo nội dung chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh tập trung vào việc lãnh đạo xây dựng cơ chế, chính sách, sắp xếp bộ máy, huy động các nguồn lực thực hiện thành công 5 định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở 5 định hướng phát triển này, Tỉnh ủy Thái Nguyên yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện có hiệu quả 12 chương trình, 32 đề án và 21 kế hoạch của giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó nổi bật là các chương trình: Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, phát triển nông lâm nghiệp thủy sản, xây dựng nông thôn mới; Các đề án cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thị xã Phổ Yên; Các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch và triển khai thực hiện tuyến đường vành đai V, đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 qua địa phận tỉnh Thái Nguyên...

Không lâu sau đó, Nghị quyết về chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường ra đời. Thái Nguyên cũng là tỉnh đầu tiên có Ngày chuyển đổi số. Cũng là tỉnh đầu tiên có trang Web riêng phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Cùng với việc phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du miền núi phía Bắc, Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

thai nguyen quyet sach hanh dong va niem tin
Lễ khởi công xây dựng Dự án Công ty TNHH DBG Technology (Việt Nam) giai đoạn 1 tại Khu công nghiệp Yên Bình với tổng vốn đầu tư đăng ký 80 triệu USD.

Quyết liệt vào cuộc

Một trong những nội dung phát triển kinh tế xã hội là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, phát triển đô thị; các đề án, chương trình được tỉnh Thái Nguyên đề ra gồm: Bổ sung chương trình phát triển đô thị bao gồm cả xây dựng thị trấn trung tâm các huyện đạt tiêu chí đô thị loại IV (Phú Bình, Đồng Hỷ, Phú Lương, Võ Nhai, Định Hóa); Xây dựng và phát triển thị xã Phổ Yên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2025; Lập đề án phân loại đô thị theo tiêu chí đô thị loại IV và Đề án thành lập thị xã, đồng thời xây dựng huyện Phú Bình, huyện Đại Từ cơ bản đạt tiêu chí thị xã; Xây dựng và ban hành đề án tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025; Tiếp tục xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tuyến đường vành đai V, đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 địa phận tỉnh Thái Nguyên; Triển khai thực hiện hoàn thành các tuyến đường kết nội với đường vành đai V, tuyến đường ĐT261 kết nối các Khu du lịch sườn Đông Tam Đảo, hồ Núi Cốc; Xây dựng và ban hành đề án phát triển nhà ở xã hội tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng: “Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức đồng lòng, phối hợp chặt chẽ, bằng những hành động cụ thể, thiết thực, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo tiền đề vững chắc và điều kiện thuận lợi cho tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát triển, vững mạnh, sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và Vùng Thủ đô Hà Nội”.

Tại Hội nghị chuyên đề cuối cùng của nhiệm kỳ được tổ chức trung tuần tháng 5/2021 HĐND tỉnh khóa XIII đã nghe, xem xét, 20 báo cáo, tờ trình; thông qua 16 Nghị quyết để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn, trong đó có nhiều nghị quyết quan trọng như: Điều chỉnh, bổ sung cục bộ Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên giai đoạn sau năm 2020 đến khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt; Thông qua chương trình phát triển đô thị, nhà ở; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường liên kết các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc; Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án: Đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường vành đai V vùng thủ đô Hà Nội đi khu di tích Lý Nam Đế, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên (Đoạn từ đường vành đai V vùng Thủ đô mở mới về phía Nam đến khu Chùa Hương Ấp)…

Ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên có Chỉ thị số 04 về tăng cường công tác quản lý các dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, đặc biệt là các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Thái Nguyên lập tức ban hành kế hoạch thực hiện, lập 2 đoàn kiểm tra đôn đốc việc quyết toán các dự án khu dân cư, khu đô thị và kiểm tra các dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Không dừng lại ở việc chỉ đạo chung chung theo kiểu “chỉ tay 5 ngón” hay với mục đích “rung cây, dọa khỉ”, tại cuộc họp triển khai hoạt động của các đoàn kiểm tra sáng 02/6, ông Trịnh Việt Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu các đoàn kiểm tra nhanh chóng triển khai nhiệm vụ, kế hoạch kiểm tra bảo đảm đúng quy định, các thành viên đoàn kiểm tra nghiêm túc thực hiện quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ của các đoàn kiểm tra.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên lưu ý 5 nguyên tắc khi kiểm tra là: Không để thất thoát ngân sách nhà nước; Không để dự án kéo dài thời gian thực hiện nhiều lần; Không tiêu cực trong kiểm tra, rà soát các dự án; Không chịu áp lực ngoài quy định của pháp luật; Không để người dân trong vùng dự án chịu thiệt thòi. Trong quá trình kiểm tra, rà soát kịp thời phát hiện, đề xuất các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, các dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách; đồng thời, nếu có phát hiện sai phạm chuyển cơ quan thanh tra, tùy mức độ sai phạm xem xét đề xuất chuyển đến cơ quan điều tra xử lý theo quy định.

Các mốc thời gian như thực hiện thu hồi đất theo quy định của pháp luật, hoàn thành trước ngày 30/9/2021 đối với các dự án vi phạm đã có quyết định thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất; Xử lý dứt điểm những dự án chậm tiến độ, hoàn thành trước ngày 31/12/2021 đã được đặt ra, như một thông điệp vừa thể hiện ý chí quyết liệt cũng vừa là giới hạn để đảng viên, cán bộ và nhân dân có thể kiểm chứng “hành động” của lãnh đạo địa phương.

Niềm tin

Hơn nửa năm sau Đại hội Đảng bộ địa phương diễn ra, với rất nhiều việc phải làm sau đó, nhưng những hành động thiết thực biến chủ trương, nghị quyết của Đảng đến với đời sống phát triển kinh tế, gần với doanh nghiệp, với nhân dân đã khiến cho những đảng viên, cử tri tại Thái Nguyên có được niềm tin về một nhiệm kỳ của những con người hành động. Hành động vì sự phát triển của quê hương Thái Nguyên dẫu đây mới chỉ là bước đi ban đầu để đến đích.

Niềm tin ấy là hoàn toàn có cơ sở, bởi người đứng đầu địa phương này là bà Nguyễn Thanh Hải, xuất thân từ cán bộ đoàn, từng là nữ phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam.

Nữ Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên sinh năm 1970, từng là giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Phó Chủ nhiệm - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi được Bộ Chính trị phân công, điều động, chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhiệm kỳ 2015 - 2020, thay cho đồng chí Trần Quốc Tỏ cuối tháng 5/2020.

Hỗ trợ cho nữ Bí thư Nguyễn Thanh Hải là những gương mặt còn khá trẻ về tuổi đời nhưng cũng đã trải qua nhiều cương vị công tác, trưởng thành từ những cán bộ cơ sở như: Ông Trịnh Việt Hùng (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh), ông Phạm Hoàng Sơn (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tỉnh ủy), ông Vũ Duy Hoàng (Trưởng Ban Tuyên giáo); ông Nguyễn Thanh Bình (Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên), ông Nguyễn Linh (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư), ông Nguyễn Bá Chính (Giám đốc Sở Công Thương), ông Bùi Thanh Hải (Bí thư Huyện ủy Phú Lương), ông Nguyễn Ngô Quyết (Bí thư Huyện ủy Phú Bình)…

Với những gì đã và đang làm, đội ngũ lãnh đạo trẻ của Thái Nguyên đã già dặn về tư duy như thế, chắc chắn không phải “nổ” để “làm màu” như một số người suy nghĩ. Chúng tôi tin, đưa nghị quyết đại hội Đảng vào cuộc sống được như vậy là họ đang xây những viên gạch vững chắc cho quá trình phát triển trong sự nghiệp của mình cũng như mảnh đất Thái Nguyên thân yêu.

Nguyễn Thành Vân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load