Thứ sáu 29/03/2024 14:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Ninh: Mỗi công trình xây dựng là một điểm tựa chống đại dịch Covid-19

15:10 | 28/11/2021

(Xây dựng) - Năm 2021, đại dịch Covid-19 lây lan vào Việt Nam, trong đó có Quảng Ninh - nơi có nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài và là nơi tập trung nhiều người ngụ cư đến làm ăn, sinh sống. Ngành Xây dựng ở địa phương gặp nhiều khó khăn, nhưng đã chủ động đối phó với quyết tâm mỗi công trình xây dựng là một điểm tựa chống dịch vững chắc.

quang ninh moi cong trinh xay dung la mot diem tua chong dai dich covid 19
Quảng Ninh thực hiện mục tiêu kép trong chống dịch, đã khởi công 3 dự án lớn trong dịp cuối năm 2021.

Cụ thể, các ổ dịch bùng phát tại Khu công nghiệp Texhong (Hải Hà), sân bay Vân Đồn (Vân Đồn), Công ty Sao Vàng (Uông Bí) và một số ca bệnh là người ở các phường xã thuộc huyện Đông Triều, giao tiếp với công nhân các khu công nghiệp ở thành phố Chí Linh (Hải Dương) là địa phương lân cận. Ngoài ra còn có những luồng bệnh lây truyền từ giao thông ngoại tỉnh, trong cộng đồng.

Tổng thể bức tranh kinh tế ở Quảng Ninh, ngành Dịch vụ, Thương mại, Du lịch chịu hậu quả trực tiếp của dịch Covid-19 là rất nặng nề. Các ngành nghề khác, trong đó có ngành Xây dựng bị cuốn theo. Các công trình xây dựng đầu tư mới đã ít, giao thông vận tải lại khó khăn, nguồn vật tư vật liệu thiếu, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nên giá cả tăng lên đột biết, các công trình thì thiếu lao động nghiêm trọng. Như công trình xây dựng cầu Vân Tiên nhu cầu sử dụng lao động thường nhật 200 người, nhưng chẳng mấy khi đủ quân số. Dịp tháng 9/2021, thời điểm thi công nước rút, khó khăn lắm công trường mới tuyển dụng được 70 lao động thì 40 người phải cách ly tập trung ở huyện Tiên Yên, 30 người cách ly tại chỗ.

quang ninh moi cong trinh xay dung la mot diem tua chong dai dich covid 19
Người và phương tiện ra vào công trường được kiểm tra y tế khử khuẩn nghiêm ngặt.

Quảng Ninh, vùng đất năng động và đang trên đà phát triển, từ đô thị đến sơn khu hải đảo, dù trong đại dịch nhưng nơi đâu cũng như một đại công trường xây dựng. Địa phương đã phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các dự án, công trình từ các nguồn vốn ngân sách, vốn ngoài ngân sách. Các công trình có cường độ tác nghiệp cao như: Mở đợt thi đua cao điểm “100 ngày đêm hoàn thành 3 công trình động lực, trọng điểm”, chiến dịch cao điểm “150 ngày đêm hoàn thành giải phóng mặt bằng nhằm tạo mặt bằng sạch, triển khai Dự án đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ đường Tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều (giai đoạn 1)”.

quang ninh moi cong trinh xay dung la mot diem tua chong dai dich covid 19
Không đeo khẩu trang không được bố trí công việc.

Tính đến 28/11/2021, tỷ lệ giải ngân đạt 67,7% kế hoạch, nếu tính theo số kế hoạch Thủ tướng giao tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 thì tỷ lệ giải ngân 11.648.701/9.322.524 tỷ đồng, đạt 125% (nằm trong nhóm các tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao), ước thực hiện sau khi điều chỉnh, phân bổ nguồn vốn đầu tư công tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh, tỷ lệ giải ngân ước đạt trên 95%.

quang ninh moi cong trinh xay dung la mot diem tua chong dai dich covid 19
Công trình xây dựng cầu Vân Tiên thi công trong đại dịch Covid-19.

Các dự án động lực, trọng điểm có vốn đầu tư ngoài ngân sách được đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (như các dự án trong khu công nghiệp Đông Mai, Sông Khoai; dự án Nhà máy may mặc Hoa Lợi Đạt Cẩm Phả…). Quảng Ninh đã khởi công nhiều công trình xây dựng lớn gồm: Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh tại thị xã Quảng Yên và thành phố Hạ Long; dự án sân gofl Đông Triều; Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh tại thành phố Cẩm Phả và dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh tại thành phố Móng Cái với tổng mức đầu tư 283.219 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 93.938 tỷ đồng, tăng trên 10% so với cùng kỳ, trong đó: vốn ngoài nhà nước chiếm 51,2%, vốn FDI chiếm 13%, vốn Nhà nước chiếm 35,9%.

Lực lượng lao động thời vụ, lao động luân chuyển từ ngoài tỉnh đến và dân ngụ cư theo chân công trình khoảng 70.000 người, công tác phòng chống dịch Covid-19 đứng trước những khó khăn. Trong hoàn cảnh khó khăn vừa sản xuất vừa chống dịch, Nhà nước có nhiều quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp như: Giãn nợ, kéo dài hạn trả tín dụng, hạ lãi suất, giảm thuế, giảm các chi phí điện nước... Ngành Xây dựng còn có thêm ưu ái được Chính phủ mở rộng đầu tư công, tạo việc làm cho người lao động.

Quảng Ninh, nhiều công trình được đầu tư bằng ngân sách như: Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3; các nút giao thông nối cao tốc Hạ Long- Hải Phòng với khu kinh tế ven biển Quảng Yên, tuyến đường ven sông Đá Vách 8-10 làn xe thông thương thị xã Đông Triều, thành phố Uông Bí, thị xã Quảng Yên với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, kết nối với cửa khẩu Bắc Luân (Móng Cái). Năm 2020 xây dựng 3.000 ngôi nhà cho các đối tượng chính sách, chưa kể còn hàng trăm dự án vừa và nhỏ thuộc khối kinh tế tư nhân.

Công việc nhiều, dồi dào nguồn thu là hạnh phúc của người lao động. Nhưng đối với công trình đầu tư bằng ngân sách cũng có những trở ngại riêng, như: Quy định đến ngày 30/9 là phải giải ngân xong, áp lực thời gian cho người lao động bởi cơ chế quản lý còn nhiều bất cập. Công bố được một dự án, phải mất một quãng đường dài hoàn thiện các thủ tục hành chính. Riêng tổ chức đấu thầu đã ủ một thời gian không ngắn, không thể đi tắt đón đầu được. Còn có những công trình không đồng bộ kiểu “thợ may có vải nhưng thiếu cúc”. Quảng Ninh còn chưa tháo gỡ được việc phê duyệt dự án có sử dụng đất, nhưng không được cấp mỏ đất tôn nền và nơi đổ thải. Người lao động phải tự tìm, dẫn đến chậm tiến độ, lại dễ vi phạm.

Trong thời khắc cao điểm chống dịch Covid-19, Quảng Ninh hạn chế giao dịch trực tiếp, các Trung tâm hành chính công hướng sang trực tuyến. Một cách làm mới, đạt được mục đích cách ly chống dịch, nhưng trong thực tế nhiều hồ sơ thủ tục đầu tư, cấp phép lại không chuyển được trên mạng. Trung tâm hành chính công làm việc cách nhật, gián đoạn nhận thẩm định và trả kết quả, hồ sơ khê đọng, nội nghiệp bị ách tắc.

quang ninh moi cong trinh xay dung la mot diem tua chong dai dich covid 19
Cán bộ kỹ thuật giám sát công trình, chủ đầu tư, nhà thầu luôn gương mẫu trong chống dịch là tấm gương cho công nhân thi công ở hiện trường.

Quảng Ninh có nhiều đất đồi giai đoạn (2020-2025) trữ lượng khoảng 200 triệu m3, và nguồn đất thải mỏ đang khê đọng trên 2tỷ m3... nhưng vướng mắc về cơ chế khai khoáng. Nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, dự án có sử dụng đất, thiếu vật liệu san nền… khó khăn nữa là thiếu lao động. Thông thường, địa phương đã không cân đối được nguồn lao động tại chỗ, trong thời khắc cao điểm chống dịch Covid-19 còn khan hiếm lao động hơn.

Những người thợ xây dựng làm việc ở Quảng Ninh thường được tuyển dụng từ mọi miền đất nước. Họ được ví như “đàn ong thợ theo bầy làm tổ”, tay bay tay thước theo chân những công trình. Nay cách ly, giãn dân chống dịch, giao thông tạm dừng, nhiều công trình thiếu lao động kỹ thuật (ong thợ), lao động có tay nghề cao.

Anh Nguyễn Hữu P – Đội trưởng đội xây lắp, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Đại Đoàn, có trụ sở ở phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long cho biết: Đơn vị nòng cốt là cán bộ quản lý, người vận hành phương tiện thiết bị kỹ thuật, số lao động phổ thông rất ít. Khi đơn vị trúng thầu công trình, hoặc nhận được hợp đồng đầu tư thứ cấp mới “tuyển quân”, tức là khi có việc mới chiêu mộ lao động đáp ứng công trình. Đây là thực tế chung, “hết chiến tranh, phải giải trừ quân bị”, không thể để bộ máy cồng kềnh, nhiều quân trực chiến, làm kinh tế còn phải căn cơ hơn nữa.

Quảng Ninh tuy không “ngăn sông cấm chợ”, nhưng một số phường xã một thời gian đã có tình trạng chống dịch cực đoan, dựng vật cản chắn đường giao thông để cách ly “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Việc di chuyển thiết bị, vận chuyển vật tư - vật liệu xây dựng gặp trở ngại. Các hoạt động giao thông đường dài, dừng vận tải hành khách công cộng. Tình trạng chung người lao động như bị bó chân tại gia, không đi làm xa nhà được, dẫn đến tình trạng việc chờ người.

quang ninh moi cong trinh xay dung la mot diem tua chong dai dich covid 19
Công nhân làm việc ở vị trí đơn lẻ hay tập trung đều phải nghiêm túc đeo khẩu trang, dụng cụ phòng dịch cá nhân.

Trong thời khắc cao điểm chống dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp xây dựng ở Quảng Ninh “từ cái khó đã ló cái khôn”, chủ động đối phó tình hình tác nghiệp mới với quyết tâm mỗi công trình xây dựng là một điểm tựa chống dịch vững chắc. Cụ thể:

Một là: Bám chặt thắt lưng cơ quan Nhà nước để làm công tác nội nghiệp, chuẩn bị chắc chắn hồ sơ đầu tư, cấp phép xây dựng; cùng chính quyền cơ sở bám thực địa, đôn đáo công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị tốt hành trang cho khi được khởi công các dự án. Lập lán trại, nhà ở dã chiến cho công nhân tại chân công trình như kiểu gia binh thời chiến. Lán trại xây cho công nhân ở thì tường cao rào kín, biệt lập với bên ngoài. Việc bếp núc, nội trợ có anh chị nuôi, thân nhân đến thăm có nhà chiêu đãi sở, cũng như kiểu doanh trại bộ đội tách biệt với tập thể người thợ. Biệt khu lán thợ có người tiếp phẩm, điện đóm đàng hoàng, nước sạch đầy đủ... lại tiện lợi cho việc khai báo y tế, tạm trú tạm vắng. Công nhân ăn ở ổn định, không phải luân chuyển theo qui định cách ly của Nhà nước. Người lao động cách ly chống dịch Covid-19 như được đóng chữ “thọ” vào người thì yên tâm làm việc, gắn bó với công trình.

Hai là: Các dự án, các công trình xây dựng quán triệt và vận dụng sáng tạo chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời ứng phó với các tình huống phát sinh theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, các vị trí sản xuất bố trí rải quân gối việc, tránh tập trung đông người không cần thiết, thực hiện tốt (5K) trong chống dịch nơi cư trú. Các công trường xây dựng trang sắp đủ dụng cụ y tế phòng dịch như khẩu trang, cồn, nhiệt kế, hóa chất khử khuẩn..và thực hiện nghiêm qui định khai báo y tế, kiểm dịch trước khi vào các vị trí sản xuất. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư chủ động liên hệ với địa phương cho công nhân đi tiêm chủng phòng dịch. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước, những người công nhân ngành Xây dựng được tiêm mũi 2.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 3, Quảng Ninh là địa phương có số ca nhiễm trong cộng đồng đứng thứ 2 toàn quốc, đợt thứ 4 xuất hiện hàng chục ca nhiễm trong cộng đồng và ca bệnh xâm nhập, nhưng nhờ chiến lược thần tốc xét nghiệm, truy vết, sử dụng tối đa công nghệ thông tin hỗ trợ, trong đó có những người công nhân làm nghề xây dựng đã góp phần cùng Quảng Ninh đã chặn đứng mọi nguồn lây, “khóa chặt ca bệnh”, nhanh chóng “làm sạch địa bàn’’. Ngành Xây dựng không ai bị F0 hoặc tử vong, mỗi công trình xây dựng là một điểm tựa chống dịch vững chắc.

Bài: Quảng Ninh mỗi công trình xây dựng là một điểm tựa chống đại dịch Covid-19 tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load