Chủ nhật 15/12/2024 05:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Ninh Bình: Triển khai kế hoạch xây dựng Đề án tu bổ, chống xuống cấp di tích lịch sử

21:22 | 29/11/2024

(Xây dựng) – UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch 213/KH-UBND ngày 25/11/2024 về nghiên cứu khả thi xây dựng Đề án tu bổ, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2025 – 2030.

Ninh Bình: Triển khai kế hoạch xây dựng Đề án tu bổ, chống xuống cấp di tích lịch sử
Nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình bị xuống cấp sẽ được quan tâm, tu bổ nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa.

Việc nghiên cứu xây dựng Đề án tu bổ, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử nhằm nâng cao vai trò của Nhà nước trong công tác bảo tồn di sản văn hóa ở Ninh Bình; phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các nhiệm vụ trọng tâm phát triển văn hóa của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới. Việc xây dựng và triển khai đề án sẽ góp phần quan trọng thu hút các nguồn đầu tư, nâng cao chất lượng của công tác xã hội hóa, phát huy mọi nguồn lực của toàn xã hội đối với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của tỉnh, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, mang tính định hướng và làm nền tảng, cơ sở ban đầu góp phần đưa hệ thống di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh trở thành những địa chỉ đỏ, không gian lý tưởng để khai thác tiềm năng, giá trị, phát triển du lịch tâm linh, tín ngưỡng, du lịch về nguồn tìm hiểu lịch sử.

Đề án phải đạt yêu cầu về khảo sát, đánh giá hiện trạng các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã xếp hạng, nhất là các di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích cách mạng, di tích khảo cổ... trên cơ sở đó, lập danh mục các di tích thực hiện quy hoạch trùng tu, tôn tạo và chống xuống cấp di tích trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn từ 2025 – 2030. Phân bổ thời gian và ưu tiên trùng tu, tôn tạo và chống xuống cấp di tích, nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, phục vụ nhu cầu phát triển văn hóa gắn với du lịch ở địa phương.

Kết quả nghiên cứu, xây dựng đề án giúp tỉnh Ninh Bình xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học đầy đủ về các di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, phục vụ việc đề xuất các giải pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di tích cũng như lưu trữ, nghiên cứu, tìm hiểu về di tích và hệ thống di tích của tỉnh. Xác định chương trình, kế hoạch tầm vi mô, vĩ mô về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh: Định hướng cơ bản; nguyên tắc về bảo tồn; giải pháp thực hiện đối với từng loại hình di tích; trình tự các bước thực hiện, xác lập trình tự ưu tiên đầu tư... và các vấn đề liên quan khác. Đề xuất danh mục đầu tư cho hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích của địa phương theo thứ tự ưu tiên (ưu tiên mức độ xuống cấp, nguồn vốn đầu tư...).

Việc nghiên cứu xây dựng đề án này dự kiến trong vòng 105 ngày, diễn ra trên 8 huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình. Trong đó, thành phố Ninh Bình (40 di tích), thành phố Tam Điệp (7 di tích), huyện Hoa Lư (66 di tích), huyện Gia Viễn (57 di tích), huyện Nho Quan (64 di tích), huyện Yên Mô (74 di tích), huyện Yên Khánh (66 di tích), huyện Kim Sơn (43 di tích).

Anh Tú

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load