Thứ sáu 29/03/2024 14:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Những nền kinh tế hưởng lợi từ cuộc xung đột Nga - Ukraine

16:20 | 27/11/2022

Trong khi nhiều nền kinh tế quay cuồng vì tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine thì vẫn có một số quốc gia đang được hưởng lợi nhờ dòng người Nga di cư cùng với tài sản của họ.

Georgia (hay còn gọi là Gruzia) - một nước cộng hòa nhỏ thuộc Liên Xô cũ nằm ở biên giới phía nam của Nga - và một số quốc gia xung quanh như Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến kinh tế bùng nổ trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra.

Theo một báo cáo về di dân, có ít nhất 112.000 người Nga đã di cư đến Gruzia trong năm nay.

Những nền kinh tế hưởng lợi từ cuộc xung đột Nga - Ukraine
Gruzia là một trong những nền kinh tế được hưởng lợi nhờ dòng người Nga di cư trong cuộc xung đột Nga - Ukraine (Ảnh: Georgia Today).

Dòng tiền đổ vào quá lớn đã tác động đến nền kinh tế Gruzia vốn đang phục hồi sau đại dịch. Đồng nội tệ của nước này tính đến thời điểm hiện nay đã tăng 15% so với đồng USD.

Trong báo cáo mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Gruzia lên 10% trong năm nay, tăng 3 lần so mức dự báo 3% hồi tháng 4. Tương tự, IMF cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ là 5% trong năm nay, trong khi đó Armenia là 11%. Lý do cho sự bùng nổ này, theo IMF, là nhờ "dòng tiền lớn từ bên ngoài, vốn và lao động" đổ vào.

Trong đó, Gruzia được hưởng lợi nhờ dòng vốn ngoại tăng vọt trong năm nay, đặc biệt là từ Nga. Chỉ riêng trong tháng 10, Nga chiếm 3/5 (tương đương 59,6%) tổng vốn ngoại vào Gruzia. Tổng dòng vốn từ Nga vào Gruzia trong năm nay đã tăng 725% so với cùng kỳ hàng năm.

Theo Ngân hàng Quốc gia Gruzia, từ tháng 2 đến tháng 10, người Nga đã chuyển 1.412 tỷ USD đến các tài khoản ở Gruzia, gấp 4 lần so với mức 314 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời, người Nga cũng mở hơn 45.000 tài khoản ngân hàng tại Gruzia trong tháng 9, gần gấp đôi số tài khoản mà người Nga đang nắm giữ ở nước này.

Với vị trí chiến lược và có mối quan hệ lịch sử, kinh tế với Nga, cùng với đó là chính sách nhập cư tự do, cho phép người nước ngoài sống, làm việc và thành lập doanh nghiệp mà không cần visa, Gruzia đã trở thành điểm đến cho những người di cư Nga.

Giống như Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia cũng không thực thi các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây. Điều đó khiến người Nga và tiền của họ được tự do qua biên giới.

Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay cũng đã cấp thị thực công dân cho 118.626 người Nga, theo số liệu từ chính phủ nước này. Người Nga cũng chiếm 1/5 doanh số bán bất động sản cho người nước ngoài của Thổ Nhĩ trong năm nay.

Chính phủ Armenia không cung cấp các số liệu về di cư cũng như các thương vụ mua tài sản của người Nga ở nước này. Dẫu vậy, tác động về kinh tế vẫn khiến các chuyên gia phải kinh ngạc.

"Chúng tôi chứng kiến tăng trưởng ở mức hai con số, điều mà không ai ngờ tới", ông Mikheil Kukava, trưởng bộ phận chính sách kinh tế và xã hội của trung tâm tư vấn Gruzia thuộc Viện Phát triển Tự do Thông tin (IDFI) nói với CNBC.

Theo ông, chắc chắn đã có sự tăng trưởng đáng kể sau khi thời kỳ suy giảm vì đại dịch. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế của những người mới.

Một trong những nơi chịu tác động rõ ràng nhất của những người mới đến là thị trường bất động sản Gruzia. Theo ngân hàng TBC của nước này, giá bất động sản tại thủ đô Gruzia đã tăng 20% so với cùng kỳ hàng năm trong tháng 9, trong khi lượng giao dịch tăng 30%. Giá cho thuê cũng tăng 74%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, rủi ro đối với đất nước này cũng lớn nếu Điện Kremlin lấy cớ bảo vệ công dân để can thiệp. Vì thế các chuyên gia đều đang tính đến sự không chắc chắn đó khi đưa ra dự báo cho triển vọng sang năm.

IMF nhận thấy tốc độ tăng trưởng trong năm 2023 của Gruzia sẽ xuống khoảng 5%. Ngay cả bản thân chính phủ và Ngân hàng Quốc gia Gruzia cũng dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong năm sau.

Khảo sát của Ponars Eurasia cũng cho thấy, 43% người Nga di cư cho biết họ dự định định cư lâu dài. 35% chưa có quyết định, còn 18% dự định sẽ chuyển đến nơi khác và 3% có ý định trở về Nga.

Theo Nhật Linh (CNBC)/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load